Chủ tịch Hội Nông dân hết lòng với phong trào xóa nghèo

31/01/2013
(VBSP) Tích cực hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu sản xuất là những việc làm của ông Đặng Văn Trọn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa (Long An) đã giúp nhiều gia đình nông dân xóa được nghèo, tăng thu nhập.
60011391

Chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt là hướng đi đúng của nông dân Mỹ An

Chúng tôi đã gặp ông Trọn khi ông cùng bà Phạm Thị Ngọc Thuỳ - Giám đốc NHCSXH huyện Thủ Thừa đi kiểm tra việc vay vốn, sử dụng vốn vay ở một số mô hình nuôi thuỷ sản, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong xã Mỹ An. Ông hồ hởi nói chuyện: “Hiện đang là thời kỳ sinh trưởng của cả nước ngọt. Tôi đi cơ sở để hướng dẫn bà con bắt bệnh cho cá và xem cách sử dụng nguồn vốn ưu đãi vào xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản, không thì thiệt hại to, mấy ngày nay tôi đi suốt”.

Mỹ An có hơn 1.500ha đất tự nhiên, trong đó 2/3 là diện tích ngập lụt. Nông dân chủ yếu trồng lúa, năng suất thấp, vì phần sống chung với lũ từ 5 - 6 tháng/năm. “Nếu không giúp bà con tìm hướng làm ăn mới thì sẽ khó thoát nghèo, nói chi đến làm giàu”. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã trăn trở.

Những chuyến đi tập huấn, tham quan các mô hình làm kinh tế trong tỉnh, ngoài tỉnh, ông Trọn thấy điều kiện tự nhiên ở Mỹ An rất thích hợp cho việc nuôi trồng thuỷ sản và mở mang các nghề tiểu thủ công nghiệp trên vùng lũ. Song để vận động nông dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi thuỷ sản không phải là chuyện dễ.

Ông Trọn đã cùng Ban chấp hành Hội Nông dân xã triển khai chủ trương, tuyên truyền vận động bà con chyển một phần diện tích ngập lụt sang nuôi cá. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và Công ty thuỷ sản Long An hỗ trợ vốn vay ưu đãi và tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho bà con. Thấy các hộ sử dụng vốn vay ưu đãi nuôi cá hiệu quả hơn trồng lúa, bà con hưởng ứng rất nhanh. Đến nay, toàn xã Mỹ An đã có 84 hộ được vay bổ xung gần 800 triệu đồng phát triển 365ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Dẫn chứng như gia đình anh Lê Thành Chiên ở ấp 2, có đến 8 công ruộng nhưng năm nào cũng đối mặt với cảnh “ăn bữa trước, lo bữa sau”. Nhiều đêm anh suy nghĩ nông dân khổ vì không có đất sản xuất đã đành, đằng này đất đai nhà mình nhiều như thế, sao không khá lên được. Năm 2008, nghe theo sự hướng dẫn của Chủ tịch Hội Nông dân Đoàn Văn Trọn và được NHCSXH giúp đỡ, cho vay kịp thời 30 triệu đồng, anh đã chuyển 5 công ruộng ngập úng, đắp bờ bao ngăn lũ, cải tạo ruộng lúa thành ao đầm nuôi trồng thuỷ sản theo mô hình kinh tế trang trại. Sau 4 năm chuyển hướng sản xuất, anh Chiên đã có trong tay một khu liên hoàn nuôi đủ các loại cá với những quy trình sản xuất chặt trẽ, có cán bộ thú ý chuyên nghiệp, tạo việc làm cho 18 lao động. Vụ đánh bắt trước Tết nguyên đán năm nay, trang trại của anh thu được hơn 20 tấn cá. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi hơn 150 con heo nái, mỗi năm đẻ từ 500 - 800 heo con. Anh Chiên chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân, NHCSXH, từ một hộ nghèo giờ đây cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn, có điều kiện hỗ trợ những hộ nghèo khó vay từ 10 -15 triệu đồng để có vốn làm ăn, cùng thoát nghèo, ổn định đời sống”.

Đúng là trong “cuộc chiến” chống đói nghèo ở Long An, bà con nông dân luôn có người kề vai sát cánh, đó chính là đội ngũ cán bộ hội năng nổ, nhiệt tình. Điển hình như ông Đoàn Văn Trọn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa kể trên, đã được bà con nông dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến “ông Chủ tịch lội đồng”, bởi vì hàng ngày ông dành toàn bộ thời gian khi có mặt trên đồng ruộng, lặn lộn với công việc nhà nông, khi thì ông tham gia họp bàn với các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoặc cùng cán bộ tín dụng NHCSXH huyện đi về tận thôn, ấp hướng dẫn, động viên, kiểm tra việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi của hội viên nông dân cho đúng mục đích, đạt hiệu quả rõ rệt. Ông Trọn chính là người có công đầu trong việc xây dựng nên dự án đầu tư vốn ưu đãi phát triển vùng chuyên canh dưa hấu vàng không hạt ở xã Mỹ An. Với loại sản phẩm này, tuy mới xuất hiện ở đồng ruộng vùng lũ từ năm 2011 nhưng đang “được” khách hàng trong cả nước tin dùng, nhất là mỗi độ xuân về, Tết đến. Đặc biệt với 1ha đất chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau quả chuyên canh, bà con nông dân thu lãi từ 180 - 200 triệu đồng/năm, cao gấp 40 lần so với trồng lúa.

Bằng những việc làm cụ thể, với sự trợ giúp đắc lực của nguồn vốn ưu đãi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Văn Trọn đã góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng lũ Mỹ An từ 12,7%  (năm 2007) xuống 6,8% hiện nay; số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi từ 20% năm 2007, tăng lên hơn 40% hiện nay.

Những việc làm của Hội Nông dân và ông Trọn đã có tác dụng thúc đẩy phong trào xóa nghèo bền vững, chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ An nói riêng và tỉnh Long An nói chung.

Thanh Hiền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác