Người Tổ trưởng tận tâm

06/02/2013
(VBSP) Được thành lập vào năm 2008, Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) do chị Hoàng Thị Thanh là Tổ trưởng được đánh giá là một trong những tổ hoạt động có hiệu quả. Chị Thanh cũng được Lãnh đạo NHCSXH đánh giá là một Tổ trưởng gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của bà con để có những đề xuất, kiến nghị hợp lý.
600Nguoi-To-truong-tan-tam

Chị Thanh (bên phải) trao đổi với chị Đặng Thị Lan tổ 6, khu 3, thị trấn Phú Lộc

Tổ chị Thanh quản lý gồm 47 hộ thì có đến 80% số hộ làm nghề chài lưới trên đầm Cầu Hai. Công việc chủ yếu của các hộ là đánh bắt thủy hải sản nhưng phương tiện nhỏ nên chỉ đánh bắt gần bờ do vậy thu nhập cũng không cao. Nắm bắt được nguyện vọng của bà con, chị Thanh đã về tìm hiểu, lên danh sách những hộ thực sự có nhu cầu vay vốn để họ tiếp cận được nguồn vốn, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu chủ trương của Chính phủ cho vay ưu đãi với hộ nghèo. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều gia đình đã về đầu tư ngư lưới cụ, thậm chí đầu tư cả tàu có trọng tải lớn để đánh bắt xa bờ. 

Chị Trần Thị Châu, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Thanh quản lý là hộ gia đình nghèo sống bên đầm Cầu Hai cho biết: Từ bao đời nay, gia đình chị sống lênh đênh trên mặt nước. Phương tiện duy nhất là chiếc đò vừa là nơi ăn, ở và cũng là phương tiện đánh bắt cá trên đầm để mưu sinh. Vì nghèo nên không có tiền mua đất lên bờ định cư. Năm 2006, chị được cấp 100m2 đất và 14 triệu đồng để xây một căn nhà cấp 4. Nhưng nhà xây xong vẫn thiếu tiền để lợp nên vợ chồng chị đành trở lại thuyền lênh đênh trên sông nước. Nhưng được chị Thanh hướng dẫn, chị Châu đã được vay vốn ngân hàng, “chuyển hướng” làm ăn mở quán tạp hóa và bán giải khát, từ giã cuộc sống mưu sinh trên đầm bấp bênh. Chỉ sau hơn một năm kinh doanh, nay chị Châu đã có của ăn của để và vươn lên thoát nghèo.

Hộ gia đình chị Đặng Thị Lan tổ 6, khu vực 3, thị trấn Phú Lộc cũng là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị Thanh, trước không có nhà, sống bằng nghề chài lưới, thu nhập bấp bênh. Sau khi vay 19 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm, chị dành toàn bộ đầu tư mua sắm các phương tiện đánh bắt. Được Nhà nước cấp đất, chị dành dụm xây được căn nhà mái bằng khang trang, ổn định, cuộc sống của gia đình đã vững vàng hơn trước. Khi chúng tôi hỏi về số nợ vay ngân hàng chị Lan cho biết, hằng tháng, chị gửi tiết kiệm vào Tổ tiết kiệm và vay vốn từ 150 nghìn đến vài trăm nghìn đồng để tích lũy chuyển sang trả nợ số tiền gốc cho ngân hàng.

Tính đến hết năm 2012, tổng dư nợ của 3 chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên và giải quyết việc làm do chị Thanh phụ trách là gần 1 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ vay vốn sản xuất đã trả hết nợ vay, vươn lên làm giàu. Khi được hỏi làm thế nào để quản lý tốt các đối tượng được vay, chị Hoàng Thị Thanh chia sẻ kinh nghiệm: Muốn quản lý tốt nguồn vốn người Tổ trưởng cần phải nắm chắc nghiệp vụ về vay vốn, thường xuyên quan tâm đến đối tượng vay vốn để kịp thời động viên, giúp đỡ họ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sử dụng vốn vay. Trước khi cho tổ viên vay vốn, chúng tôi đều tìm hiểu hoàn cảnh, tình hình sản xuất của gia đình, nếu đủ điều kiện sẽ đề nghị cấp trên tạo điều kiện. Sau mỗi đợt giải ngân chúng tôi đều tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức, sử dụng vốn đúng mục đích và định hướng cho họ đầu tư vào những cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao. Bản thân cũng lập sổ theo dõi với từng tổ viên và thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đồng vốn cũng như hiệu quả mang lại cho các hộ. Duy trì sinh hoạt định kỳ nhằm đôn đốc tổ viên nghiêm túc thực hiện các quy định của Tổ tiết kiệm và vay vốn và tạo điều kiện cho người vay trao đổi, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm lẫn nhau.  

Đích thân chị Thanh đã vận động được 47/47 hộ tham gia hằng tháng với số tiền tiết kiệm gần 10 triệu đồng, tuy chưa cao song đã khẳng định ý thức, trách nhiệm của người dân đối với ngân hàng.

Ông Nguyễn Phúc Khải – Giám đốc NHCSXH huyện Phú Lộc nhận xét: “Nếu không có sự nhiệt tình, tinh thần làm việc có trách nhiệm của những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn như chị Thanh, chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Họ là những người sở tại, gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, khảo sát, rà soát các hộ đủ điều kiện trực tiếp đưa nguồn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh, hiệu quả”.

Nhờ quản lý tốt nguồn vốn vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Hoàng Thị Thanh quản lý không chỉ tạo được uy tín với NHCSXH huyện mà còn là chỗ dựa cho bà con nghèo phát triển kinh tế, qua đó, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở thị trấn Phú Lộc.

Quang Tám

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác