Vốn ưu đãi “nâng cánh” người nghèo
Xã Trường Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Ninh. Toàn xã có 970 hộ với gần 4.100 nhân khẩu sinh sống rải rác thành 20 thôn, bản, trong đó: hơn 60% là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Nguyên nhân chính là do đồng bào chủ yếu sống dựa vào việc làm nương rẫy nên thu nhập bấp bênh.
Trước tình hình đó, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, chính quyền xã Trường Sơn đã có chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để đồng bào dân tộc Vân Kiều có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Nhờ có nguồn vốn, các hộ gia đình đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lâm nghiệp và làm dịch vụ…
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tâm ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn - một trong những hộ sử dụng vốn vay hiệu quả. Trước đây, gia đình chị Tâm thuộc diện hộ nghèo, quanh năm chỉ sống dựa vào trồng lạc, đậu xanh và trồng rừng, diện tích nhỏ nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, với 10 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình cho vay hộ nghèo từ NHCSXH, gia đình chị Tâm đã đầu tư trồng rừng và phát triển trồng thêm cây ăn quả, cây lấy củ trong vườn nhà và chăn nuôi bò. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị đã đem lại hiệu quả cao.
Nhờ vậy, đến cuối năm 2012 vừa qua, chị Tâm đã được NHCSXH cho vay thêm 20 triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Do biết dành dụm, hiện nay vợ chồng chị Tâm đã dựng được căn nhà mới khang trang hơn thay cho căn nhà cũ thường xuyên bị ngập lụt khi mùa mưa bão về. Đây chỉ là một trong nhiều hộ gia đình của xã Trường Sơn từ nguồn vốn vay đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả tốt và hướng tới mô hình kinh tế bền vững.
Đến thời điểm này, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã giải ngân tại xã Trường Sơn gần 9 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,48% tổng số dư nợ và nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của ngân hàng.
Bà Trương Thị Hợi, - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Chi hội phụ nữ quản lý chia sẻ, với phương thức cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội và giải ngân trực tiếp đến người vay nên nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã đến tận tay 100% các hộ nghèo trong toàn xã.
Hiện xã Trường Sơn đã hình thành được 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn do 13 cán bộ tín dụng cơ sở phụ trách. Đặc biệt, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, đôn đốc trả nợ lãi, gốc và động viên người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Với cách làm khoa học và sâu sát của đội ngũ cán bộ tín dụng cơ sở nên hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích.
Từ khi có nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Trường Sơn có nhiều thay đổi. Từ chỗ chỉ sản xuất lúa nước, trồng ngô, lạc thì bây giờ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết đầu tư chăn nuôi lợn, bò, dê… Đáng kể, bà con đã chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng chuồng trại ủ phân, trồng thêm nhiều giống cây mới, nuôi nhiều giống con mới nhằm phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu nhập đáng kể và vươn lên từng bước thoát nghèo.
Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, qua việc được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo được thói quen với cách tính toán làm ăn theo tư duy sản xuất hàng hóa. Đây cũng chính là thành công trong việc giúp các hộ nghèo ở xã Trường Sơn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, định canh định cư, thoát nghèo một cách bền vững.
Tuy nhiên, để có thể phát huy được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thì việc giúp đỡ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cần tiến hành đồng bộ, tức là song song với việc cho vay vốn cần tập huấn nâng cao nhận thức và tay nghề trong sản xuất cho người dân; tổ chức tham quan mô hình làm ăn có hiệu quả và hỗ trợ về khuyến công.
Ngoài ra, NHCSXH cần tăng thêm nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh và thời hạn vay nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động. Có như vậy, người nghèo càng thêm yên tâm sản xuất, chủ động trong việc trả vốn, lãi cho ngân hàng và bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn, thúc đẩy quá trình xóa nghèo ở điạ phương.
N. L
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH gặp mặt đầu xuân Quý Tỵ
- » Thống đốc NHNN gặp mặt cán bộ, công chức ngành Ngân hàng đầu xuân Quý Tỵ
- » Dẫn nước sạch về thôn, bản nghèo trên đỉnh Hoàng Su Phì
- » Thoát nghèo, làm giàu từ nuôi gà đồi
- » THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
- » THÔNG BÁO về việc mời chào hàng cạnh tranh
- » Người Tổ trưởng tận tâm
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Cần Thơ tổng kết hoạt động năm 2012
- » Nâng cao chất lượng uỷ thác tín dụng
- » Kết quả năm 2012 của NHCSXH tỉnh Tuyên Quang