Tâm huyết của một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn

21/02/2013
(VBSP) Sau 5 năm thực hiện, tổng dư nợ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt 953.278 triệu đồng, giúp cho 48.099 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí cho con em học tập, có 61.036 học sinh, sinh viên yên tâm học tập nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Câu chuyện của ông Nguyễn Đức Chiến - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 6A, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo - là một phần trong câu chuyện đưa tiền Chính phủ để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo thực hiện ước mơ học tập.
6001111

Tín dụng ưu đãi cho học sinh sinh viên vay vốn đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con đi học

Ông Chiến kể, Ea H’leo là huyện vùng sâu, vùng xa nằm ở hướng Đông Bắc của tỉnh Đắk Lắk, với tỷ lệ hộ nghèo trên 20%. Những năm trước đây khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ chưa ra đời, nhiều hộ dân nơi đây phải cho con em mình nghỉ học để lao động phụ gia đình vì gia đình không có đủ nguồn lực tài chính nuôi con ăn học, nhiều học sinh, sinh viên phải bỏ học giữa chừng hoặc thi đỗ vào các trường nhưng không có tiền để nhập học. 

“Năm 2005, tôi được sự tín nhiệm của các hộ vay vốn trong thôn 6A bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý. Đến nay, tổ của tôi có 49 thành viên, trong đó có một số hộ được vay 2 chương trình, với tổng số tiền vay là 674 triệu đồng trong đó riêng Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên chiếm 212 triệu đồng - ông Chiến kể: “Qua các năm, Tổ của tôi luôn được NHCSXH huyện đánh giá là tổ hoạt động tốt, hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn nhanh, thu lãi theo tháng rất tốt, không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn. Đặc biệt, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bản thân từng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đón nhận Quyết định 157/QĐ-TTg với một niềm phấn khởi, nhiều gia đình lại có điều kiện tiếp tục cho con em đến trường theo đuổi ước mơ của mình và chương trình tín dụng đã tạo nên sự bình đẳng giữa các tầng lớp nhân dân trong xã hội”. 

Xã Eo Ral của ông Chiến có trên 150 hộ có 2 con trở lên đang học đại học, cao đẳng được vay vốn. Ông Chiến kể, trong Tổ có bà Lê Thị Vân có 2 người con đang học đại học và đã được vay vốn, dư nợ hiện nay là 49 triệu đồng, các con bà đã hứa quyết tâm học tập tốt để ra trường có việc làm ổn định, cùng gia đình nhanh chóng hoàn trả nợ cho ngân hàng. “Trong một buổi họp tổ, chị Lê Thị Mai xúc động chia sẻ với tôi, vợ chồng chị có 2 cháu đều đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Nhà tuy khó khăn nhưng các cháu học được lắm, ông Chiến kể - ngay từ khi cháu đầu bước vào năm lớp 12, nghe phổ biến về chính sách cho học sinh, sinh viên nhà nghèo vay vốn, trong bụng vợ chồng tôi đã yên tâm. Giờ đây gánh nặng lo học hành cho hai đứa con của gia đình tôi đã được Đảng, Chính phủ ghé vai đỡ bớt… Số tiền vay phục vụ cho học tập của hai cháu đến nay đã 32 triệu đồng. Số tiền khá lớn, nhưng nợ chữ nghĩa, nợ nghề nghiệp vợ chồng tôi và các con không bao giờ quên được… ”. 

Trong quá trình thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, điều ông Chiến lo lắng không ít là chuyện trả lãi và nợ gốc của hộ vay. “Tôi vẫn biết Quyết định 157 của Chính phủ là rất hợp lòng dân, vì chính sách này giải quyết được cái vòng luẩn quẩn “Nghèo - thất học - nghèo”. Ngược lại với sự lo lắng của tôi, trong 5 năm qua, trong tổ tôi những gia đình vay vốn học sinh, sinh viên chấp hành rất tốt việc trả lãi, trả nợ đầy đủ, không có trường hợp nào chây ỳ, để nợ quá hạn“, ông Chiến tâm sự. 

Hoàng Bách

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác