Từ nguồn vốn chính sách tìm nhiều cách xóa nghèo
Phóng viên: Thưa ông, những năm qua tỉnh Lào Cai có tốc độ giảm nghèo khá nhanh. Ông có đồng ý với nhận xét của chúng tôi?
Trả lời: Vâng! Đúng như vậy! Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011, toàn tỉnh có gần 51 nghìn hộ nghèo, chiếm hơn 35,2% tổng dân số. Đến hết năm 2012, số hộ nghèo còn trên 46 nghìn hộ, chiếm 30,29% tổng dân số. Như vậy, năm qua Lào Cai giảm được 5% số hộ nghèo. Lào Cai là tỉnh nghèo, vùng cao, biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, bằng nhiều chương trình, dự án, tỉnh đã được Trung ương đầu tư rất lớn về nhân lực, vật lực. Qua một thời gian vốn Trung ương “ngấm dần” vào từng hộ dân và bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi lấy ví dụ: Lào Cai có 3/62 huyện nghèo cả nước, là Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà. Đây là 3 huyện vùng cao, được gọi là “cổng trời” của tỉnh. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 3 năm (2009 - 2011) 3 huyện nghèo của tỉnh đã được Nhà nước đầu tư 2.200 tỷ đồng, từ các chương trình, dự án; trong đó: Nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 30a đạt 420 tỷ đồng. Đến nay, bộ mặt 3 huyện nghèo đã có những đổi thay lớn, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện: 100% số xã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, có đường ô tô đến tận trung tâm xã; 90% thôn, bản có đường liên thôn; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 85% diện tích đất ruộng; 80% số hộ nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh… Có cơ sở hạ tầng, qua nhiều năm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, có hệ thống khuyến nông, khuyến lâm xuống tận thôn, bản hướng dẫn cách làm ăn, “mưa dầm thấm lâu”, đã đến lúc trên mảnh đất quê nhà bà con biết trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả, để từng bước thoát nghèo bền vững.
Phóng viên: Và, bền vững phải không thưa ông?
Trả lời: Theo tôi, có cơ sở hạ tầng thiết yếu, có vốn, phát huy được nội lực của dân, khai thác được tiềm năng và lợi thế của vùng trên cơ sở khoa học là 4 yếu tố để người dân thoát nghèo bền vững. Có thể nói, những năm gần đây Lào Cai đã hội tụ được 4 yếu tố này, các huyện nghèo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Khai thác vùng cao nguyên trắng, huyện Bắc Hà chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó: Cây mận Tam Hoa truyền thống và tập đoàn cây ăn quả ôn đới, cây thuốc Atisô là chủ lực. Toàn huyện có trên 500 hộ nông dân là người Mông, Dao, Tày, Nùng… tham gia dự án phát triển cây ăn quả ôn đới. Hiện, Bắc Hà có trên 400ha mận Tam Hoa; trên 70ha lê xanh, lê Tai Nung; 70ha đào Pháp, sản lượng khoảng 2 nghìn tấn, đem lại 30 tỷ đồng/năm. Đây chính là mũi nhọn xóa nghèo bền vững và làm giàu của nông dân huyện Bắc Hà. Huyện có gần 1 nghìn hộ nông dân thoát nghèo. Đặc biệt, lần đầu tiên có gần 100 hộ dân ở các xã Tà Chải, Na Hối, Bảo Nha… tự nguyện làm đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo.
Huyện Si Ma Cai phát triển 1.700ha ngô giống mới. Tạo ra vùng ngô hàng hóa. Huyện Mường Khương, xây dựng vùng chuyên canh cây thuốc lá trên 500ha, vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Mường Khương còn mạnh về xuất khẩu lao động, đến nay huyện đã tạo điều kiện cho 200 lao động được đi làm việc tại nước ngoài. Nhiều người đã gửi tiền về giúp gia đình, trả nợ NHCSXH. Hiện nay, huyện có gần 300 lao động đăng ký tham gia dự tuyển xuất khẩu lao động, NHCSXH huyện tạo điều kiện giải ngân kịp thời cho 59 lao động vay với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu từ nay đến 2015 đưa khoảng 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để tạo điều kiện cho người tham gia xuất khẩu lao động, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hợp lý: Mọi đối tượng có nguyện vọng và đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động đều được hỗ trợ học phí học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng… Đối với 3 huyện nghèo, tỉnh có những chính sách ưu tiên cụ thể.
Phóng viên: Năm 2012, NHCSXH tỉnh Lào Cai đạt tổng dư nợ gần 1.740 tỷ đồng, với số khách hàng vay vốn còn dư nợ trên 97.300 hộ của 10 chương trình cho vay. Khách hàng đông, địa bàn rộng, cán bộ ngân hàng có hạn, nhưng nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,29% tổng dư nợ. Từ kết quả này, ông đánh giá như thế nào về vai trò Tổ tiết kiệm và vay vốn?
Trả lời: Trước khi nói đến vai trò Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi phải khẳng định một điều: Ở Lào Cai từ cấp ủy đến chính quyền các cấp rất quan tâm đến tín dụng ưu đãi. Ban đại diện đều là cấp Trưởng, Phó các ngành. Các buổi giao ban ở tỉnh đều có NHCSXH. Qua đó, ngân hàng bám sát Đề án xóa nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh để cho vay. Ở địa phương, hầu hết các xã ưu tiên một phòng trong khuôn viên UBND xã để NHCSXH giao dịch hàng tháng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác, các tổ giao dịch lưu động…
Hiện nay, Lào Cai có 159 Điểm giao dịch tại xã, trên 2.576 Tổ tiết kiệm và vay vốn “phủ sóng” khắp các thôn, bản, làng trên địa bàn toàn tỉnh. Theo tôi, đây là những nhân tố quan trọng có tính quyết định đến kết quả thực hiện chương trình tín dụng trong năm qua, góp phần thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, xã hội hóa tín dụng chính sách. Đầu tư của NHCSXH có hiệu quả hay không chính là việc sử dụng vốn vay đúng mục đích hay không? Điều này không ai tỏ tường bằng ông, bà Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Con số năm qua chúng tôi thu nợ đạt trên 300 tỷ đồng, chứng tỏ bà con sử dụng vốn vay của NHCSXH đạt hiệu quả kinh tế; người nghèo biết vay và biết trả, làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, nói lên vai trò hoạt động tích cực của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Kinh nghiệm của chúng tôi, để Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt chức năng “cánh tay nối dài” của NHCSXH, ngoài việc thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng chính sách, phải tạo cho họ hoạt động tự nguyện. Cán bộ tín dụng ngân hàng phải chia sẻ, gần gũi họ, khi cảm thấy họ đã “đứng vững” thì buông dần, từng bước giao thêm việc. Không nên thay đổi nhiều Tổ trưởng, làm ảnh hưởng đến danh dự của họ trong cộng đồng.
Phóng viên: Với tư cách là Giám đốc một chi nhánh trong hệ thống NHCSXH Việt Nam, nếu có điều ước trong năm 2013, ông sẽ ước gì?
Trả lời: Tôi sẽ ước, NHCSXH được tăng thêm vốn cho vay giải quyết việc làm. Vì, việc làm đã và đang là “gánh nặng” ở nông thôn. Cho vay giải quyết việc làm là cho vay các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản là đầu tàu kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết việc làm và xây dựng Nông thôn mới!
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!
Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người Tổ trưởng tận tâm với công việc
- » Dư nợ của NHCSXH huyện Cam Đường (Lào Cai) đạt 160 tỷ đồng
- » Tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột
- » Thành lập Tiểu đội tự vệ NHCSXH huyện Than Uyên
- » Chung sức xóa nghèo
- » Chung sức xóa nghèo
- » Ổn định đời sống từ vốn vay chính sách
- » Tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH huyện Bắc Yên
- » Chung tay xây mái ấm cho người nghèo
- » Hội Phụ nữ xã Minh Hoá phát huy hiệu quả nguồn vốn vay