Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên: Sau 5 năm thực hiện

21/02/2013
(VBSP) Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Quyết định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Sau 5 năm thực hiện chương trình đã có hàng triệu lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập. Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội to lớn.
60020.2Untitled-1

Vốn ưu đãi đồng hành cùng học sinh, sinh viên đến trường

Từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc

Với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành đến ngày 31/12/2012 tổng nguồn vốn của chương trình đạt 43.362 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh đất nước có nhiều khó khăn, lo đủ vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định, có thể xem là một cột mốc của NHCSXH trong năm 2012.

Nhờ có đủ nguồn vốn nên kết quả cho vay năm qua rất khả quan. Tính đến ngày 31/12/2012:

Tổng doanh số cho vay đạt 43.362 tỷ đồng, bình quân 7.227 tỷ đồng/năm.

Dư nợ 35.802 tỷ đồng (trong đó nợ quá hạn 167 tỷ đồng (chiếm 0,4%).

Chương trình đã cho hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn. Đến nay còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu học sinh, sinh viên đi học.

“Sáng ngày 21/02/2013, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Các điểm cầu truyền hình trực tuyến sẽ đặt tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là chương trình thể hiện quyết tâm Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội và kinh tế to lớn”.

Sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành và NHCSXH trong việc bố trí nguồn vốn, hướng dẫn quy trình thủ tục cho vay cụ thể, đơn giản, thuận lợi. Thông qua các cuộc họp giao ban, Phó Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Bộ, ngành trong suốt quá trình thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, NHCSXH có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn hằng năm của học sinh, sinh viên; điều chỉnh mức cho vay, lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ khi chính sách học phí thay đổi, giá cả sinh hoạt biến động.

Chương trình đã nhanh chóng “phủ sóng” trên toàn quốc, với sự vào cuộc và tham gia tích cực của cấp ủy và chính quyền địa phương, của 4 tổ chức hội, đoàn thể: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Cùng với 63 chi nhánh tỉnh, thành phố; 618 Phòng giao dịch quận, huyện, thị xã của ngân hàng, thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể cánh tay ngân hàng nối dài xuống tận thôn, bản với 10.863 Điểm giao dịch xã, phường/11.118 xã, phường cả nước; trên 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần thực hiện xã hội hóa công tác cho vay, dân chủ, công khai và minh bạch trong việc bình xét về đối tượng thụ hưởng cũng như quản lý, sử dụng vốn.

Tạo điều kiện cho dân vay và trả

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để các em phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”, NHCSXH đã quán triệt và tích cực chỉ đạo toàn hệ thống, phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua 5 năm thực hiện Quyết định 157, chương trình đã 4 lần điều chỉnh mức cho vay, từ 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên năm 2007 đến nay là 1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên, gánh đỡ một phần khó khăn cùng các em khi giá cả “leo thang”, học phí tăng. Kế thừa kinh nghiệm cho vay các chương trình khác, NHCSXH đã chuyển phương thức cho vay trực tiếp học sinh, sinh viên sang cho vay thông qua hộ gia đình học sinh, sinh viên; tổ chức tốt cho vay, thu nợ, thu lãi tại các Điểm giao dịch xã giúp hộ gia đình vừa tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, vừa có ý thức dành dụm từ nguồn thu nhập tổng hợp của gia đình để trả nợ ngân hàng.

NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và đặc biệt là Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên động viên hộ vay vốn phải có ý thức trách nhiệm trong việc tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu từ gia đình để trả nợ khi đến hạn. Kết quả thu nợ đến ngày 31/12/2012 đạt 7.776 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm 0,47% là một minh chứng cụ thể các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi biết vay và biết trả. Điều đáng quan tâm hơn, 3 năm qua nợ thu năm sau nhiều hơn năm trước. Cụ thể, năm 2010 thu nợ đạt 949 tỷ đồng; năm 2011 tăng lên 2.044 tỷ đồng và năm 2012 là 4.385 tỷ đồng. Những con số này đã từng bước phá tan sự nghi ngờ của một số người khi bắt đầu thực hiện Quyết định 157, rằng cho vay học sinh, sinh viên sẽ khó thu hồi vốn!

Để động viên, khuyến khích được trách nhiệm trả nợ của người vay, NHCSXH đã triển khai thực hiện tốt chính sách giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn. Do vậy, nhiều hộ vay đã chủ động và tự nguyện trả nợ trước hạn khi có nguồn thu để được hưởng chính sách giảm lãi tiền vay. Việc trả nợ trước hạn cũng đã góp phần giảm gánh nặng cho hộ vay khi đến hạn trả nợ cuối cùng, đồng thời NHCSXH có nguồn vốn bổ sung cho vay quay vòng. Năm 2011, số tiền gốc trả nợ trước hạn là 1.163 tỷ đồng, năm 2012 tăng lên 2.500 tỷ đồng. Hy vọng những năm tới  số tiền trả nợ trước hạn ngày một tăng.

Một số bài học kinh nghiệm

Tính đến ngày 31/12/2012, NHCSXH đạt tổng dư nợ 113.921 tỷ đồng, với hơn 7 triệu khách hàng còn dư nợ, tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng (chiếm 96,9% tổng dư nợ). Trong đó, cho vay hộ nghèo lớn nhất 41.594 tỷ đồng; tiếp đến cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 35.802 tỷ đồng… Kết quả này cho thấy chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chương trình vừa có tính nhân văn sâu sắc, vừa có tính xã hội hóa cao, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ít có chính sách, chương trình nào lại nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả như chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Vì, được sự đồng thuận của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cả xã hội cùng vào cuộc với sự chỉ đạo kiên quyết, thường xuyên của thường trực Chính phủ. Và, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì - NHCSXH.

Việc cho vay trực tiếp hộ gia đình học sinh, sinh viên là một hình thức quản lý vốn vay phù hợp và hiệu quả. Qua tổng kết 5 năm tín dụng học sinh, sinh viên của các tỉnh, thành phố cho thấy, với cách làm này ngân hàng nâng cao được trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với gia đình trong việc sử dụng vốn vay, khi ra công tác chưa trả xong nợ; đồng thời, là sợi dây ràng buộc giữa gia đình với ngân hàng trong việc trả nợ vốn vay. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để việc thu nợ tiến tới khả quan.

Thông qua ủy thác một số khâu đối với các tổ chức chính trị - xã hội, ngân hàng chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng. Để hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh, NHCSXH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể thường xuyên tổ chức thực hiện công tác kiểm tra theo nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, những tồn tại, khó khăn được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, nên hoạt động cho vay đã đi vào nề nếp, ổn định, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được chuyển tải đến đúng đối tượng được thụ hưởng.

Chưa hết khó khăn

Phấn đấu cho mục tiêu “không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”, dự kiến giai đoạn 5 năm 2013 - 2017 tổng nguồn vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Trong khi nền kinh tế nước nhà năm 2013 chưa mấy khả quan, đây là một thách thức lớn.

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có nhu cầu lớn, thời điểm cho vay mang tính “thời vụ” (dồn dập đầu năm và đầu học kỳ II), thời hạn món vay thường từ 6 đến 7 năm, để chương trình phát huy hiệu quả, ổn định, phát triển bền vững, báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên của UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo lập nguồn vốn cho vay của chương trình theo hướng ổn định và bền vững. Vì, hiện nay nguồn vốn cấp từ ngân sách Trung ương ổn định mới chỉ có 4,1%, còn lại 95,9% là nguồn huy động trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vốn vay ngắn hạn nên nguồn vốn luôn trong tình trạng mất cân đối, bị động và thiếu bền vững.

Việt Hải

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác