Ban Lãnh đạo NHCSXH làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: “KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG ƯU ĐÃI Ở KHU VỰC”

05/03/2013
(VBSP) Sáng nay (05/3/2013), tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Ban Lãnh đạo NHCSXH đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Lữ Ngọc Cư - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Phùng Thế Vinh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo. Về phía NHCSXH có đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc và các đồng chí Phó Tổng giám đốc: Võ Minh Hiệp, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đức Hải.

 600.tay-nguyen

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ do NHCSXH thực hiện trong khu vực Tây Nguyên đạt 11.664 tỷ đồng, với 259.251 lượt khách hàng được vay vốn, tăng 1.247 tỷ đồng so với năm 2011 với 7 triệu khách hàng còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay trong năm đạt 33.027 tỷ đồng, tăng 1.215 tỷ đồng so với năm 2011. 

Tăng trưởng dư nợ tập trung vào các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo với dư nợ 4.679 tỷ đồng; cho vay HSSV 2.707 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 574 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 2.539 tỷ đồng… Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến đúng các đối tượng thụ hưởng chính sách ở tất cả các thôn, bản trong vùng Tây Nguyên, góp phần giúp trên 41.703 hộ thoát nghèo, thu hút gần 11.571 lao động có việc làm; hơn 81.600 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng trên 54.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách… 

Năm 2012, được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh trong khu vực, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt NHCSXH Trung ương đã chỉ đạo các chi nhánh trong khu vực nghiêm túc rà soát, kiểm tra, phân loại xã, huyện có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% để lập đề án củng cố và thu hồi nợ. 

Ban Lãnh đạo NHCSXH và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đánh giá, phân tích những tồn tại trong hoạt động tín dụng chính sách ở vùng và đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hoan nghênh Ban Lãnh đạo NHCSXH đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Tuy nhiên, để có đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa NHCSXH và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phải phối hợp tổ chức tổng kết, sơ kết. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, các chi nhánh của NHCSXH trong khu vực cần tích cực chủ động, tham mưu cho chính quyền địa phương các chương trình, kế hoạch hoạt động để nguồn vốn cho vay của NHCSXH mang lại hiệu quả hơn nữa. Với nhiệm vụ chính trị của mình, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đến đâu, đã làm gì cho người nghèo.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác