Điều chỉnh chính sách sâu sát hơn nữa để thực hiện xóa đói, giảm nghèo thực sự hiệu quả, bền vững

04/03/2013
(VBSP) Các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri, các đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá, cách nhìn đa dạng và khá sát thực tế về các chính sách trên, đồng thời đưa ra những đề xuất để thực hiện tốt hơn nữa trong các năm tiếp theo. Nhóm phóng viên xin được ghi lại những ý kiến này gửi tới bạn đọc.
49

Bà Triệu Thị Nái - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội

Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thoát nghèo chưa bền vững

Thông qua thực hiện các chương trình chính sách, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bình quân mỗi năm thêm hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, cho vay tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho hộ nghèo và hộ cận nghèo được tăng lên. Qua đó, đã góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân, nhất là các hộ nghèo và vùng nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, tồn tại thuộc cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do địa hình cư trú của đồng bào dân tộc là khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, địa hình chủ yếu có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh, thường xuyên bị chịu tác động bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, thiếu đất, thiếu nước, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, kinh tế kém phát triển nên đời sống đồng bào dân tộc hết sức khó khăn, thu nhập bình quân trên đầu người ở các xã đặc biệt khó khăn chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân của cả nước. Đến nay, vẫn còn hơn 200 xã và trên 8.000 thôn, bản chưa được sử dụng điện, trên 300.000 thôn, bản chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 16.000 thôn, bản chưa đủ nhà trẻ, lớp mẫu giáo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã đặc biệt khó khăn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thoát nghèo không bền vững. Một bộ phận có nguy cơ tái nghèo cao. Còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chưa tới 20%.

Trong năm 2013 và các năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ xây dựng các chính sách đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hỗ trợ định canh, định cư, xã, thôn, bản có nhiều núi đá, độ dốc lớn, thường xuyên bị thiên tai xảy ra, thiếu nước, thiếu đất sản xuất, có chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, xây dựng chính sách bảo tồn phát triển ngành, nghề truyền thống, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, khuyến khích trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại xã nghèo và huyện nghèo. Tiếp tục để chỉ đạo rà soát lại nội dung chính sách dạy nghề cho phù hợp gắn với giải quyết việc làm trên các lĩnh vực lao động nông thôn, xuất khẩu lao động đối với 62 huyện nghèo. Chính sách học nghề đối với học sinh dân tộc nội trú để nhằm nâng cao số lượng và chất lượng dạy nghề để tìm kiếm việc làm và đạt hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thường xuyên, rà soát sự biến động về hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế bất cập trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đồng thời Nhà nước tăng thêm nguồn lực và phát huy vai trò chủ đạo để nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng các hệ thống dịch vụ cơ bản để bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.

Khó khăn khi “chia lửa” với Nhà nước trong xây dựng Nông thôn mới

Tôi đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của Chính phủ, Bộ ngành trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra đạt được kết quả rất khả quan trong điều kiện khó khăn của năm 2012. Tuy nhiên, thực tế ở địa phương phản ánh một số vấn đề cụ thể cần được quan tâm, giải quyết. Thứ nhất, về vấn đề xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương rất đúng đắn, người nông dân ở nông thôn rất mừng song chính sách đầu tư này còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Nông thôn Việt Nam hầu hết đời sống người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn. Đây còn là những căn cứ Cách mạng trong giai đoạn kháng chiến, ngày nay chúng ta xây dựng nông thôn mới trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Song, qua báo cáo của địa phương đối với việc thực hiện đề án này thì người nông dân phải đóng góp khoảng từ 40 đến 50% kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong khi túi tiền của người dân còn phải lo nhiều thứ, lo ăn, lo mặc, lo con cái học hành, với nghìn lẻ một nhu cầu đều trông cậy vào thửa ruộng mà ruộng thì sản xuất chẳng có lợi nhuận bao nhiêu. Theo phản ánh của nông dân, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân sản xuất lúa có lợi từ 30% trở lên chỉ đến với doanh nghiệp, đến với thương lái. Còn người nông dân dù cho có được mùa thì cũng thấp thoảng lo âu vì rớt giá. Trong khi đó, người nông dân nghèo họ lại phải vay vốn để đầu tư cho việc xây dựng Nông thôn mới. Chính vì vậy, việc “chia lửa” với Nhà nước trong thực hiện chủ trương này lại càng khó khăn đối với người nông dân.

50

Bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang

Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ có những chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân trong thực hiện đề án xây dựng Nông thôn mới để kịp thời hoàn thành lộ trình đề ra. Đề nghị cơ quan chức năng nên quy định đối với doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo phải có hợp đồng với nông dân về vùng nguyên liệu, gắn kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác giảm nghèo

Trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện chủ trương, chính sách, hỗ trợ nhằm giảm nghèo và đạt được những kết quả nhất định. Đời sống của đồng bào nghèo từng bước được cải thiện. Nhiều hộ phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Chúng ta đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác giảm nghèo như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, NHCSXH, các Bộ ngành thông qua chương trình cho vay, chương trình phối hợp thực hiện, ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể… Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ vẫn thấp và còn chồng chéo, chưa có sự phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình, do đó, hiệu quả sử dụng đồng vốn không cao, chưa tác động tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo. Ví dụ, theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg (Quyết định 167) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, người dân được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/hộ, vay NHCSXH 8 triệu đồng; hay theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg (Quyết định 32) về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiếu số đặc biệt khó khăn. Với mức hỗ trợ này thì người dân rất khó khăn để làm được nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố và đảm bảo đủ vốn đầu tư phát triển sản xuất.

51

Ông Hoàng Việt Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Bên cạnh đó, hiện nay các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo nhiều nhưng chưa có sự thống nhất và chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Các chính sách không khuyến khích thoát nghèo và thoát nghèo chưa thực sự bền vững, chưa có chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo, nên người dân không muốn thoát nghèo.

Với những bất cập trên, trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư và thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, về làm nhà ở và vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đối với các chương trình theo Quyết định 167 và Quyết định 32 cần nâng mức hỗ trợ để phù hợp với tình hình giá cả thị trường hiện nay, đặc biệt quan tâm đến đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Xem xét sửa đổi lại các quy định về hỗ trợ giảm nghèo, chính sách cần hướng tới, khuyến khích người dân tích cực phát triển sản xuất để thoát nghèo và có chính sách hỗ trợ cận nghèo.

Phải tăng cường rà soát chính xác hộ nghèo hàng năm

Theo tôi, chúng ta cần phải tăng cường công tác rà soát hộ nghèo hàng năm. Việc rà soát hộ nghèo hàng năm hiện nay vẫn có những sai sót dẫn đến xác định tỷ lệ hộ nghèo hàng năm chưa chuẩn xác. Những sai sót này đang gây nên nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết được. Trước hết, khi xác định tỷ lệ hộ nghèo sai thì việc ngân sách bỏ ra để thực hiện chính sách đối với hộ xác định sai không phải là lớn, không đáng lo, việc thực hiện chính sách sẽ không công bằng, sinh ra dị nghị trong nhân dân, trong cộng đồng, mất đoàn kết, làm xói mòn lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, việc gây dựng lòng tin đối với một chủ trương, chính sách mới trong đồng bào đã rất khó khăn, lấy lại lòng tin khi đã bị mất còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Để góp phần tham gia vào giải pháp thực hiện trong những năm tới, giảm bớt sai sót trong việc rà soát hộ nghèo, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau.

52

Trước hết, đối với việc rà soát hộ nghèo hiện nay, chúng ta vẫn thực hiện theo Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm, được bổ sung trong tổng điều tra hộ nghèo năm 2010. “Bộ công cụ” rà soát hộ nghèo này rất khó sử dụng ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và dễ dẫn đến sai sót, dẫn đến chỉ trông chờ chủ yếu vào quyết định của cộng đồng thôn bản là chính. Có nghĩa là bình xét hộ nghèo bằng cảm tính, bằng bình xét là chính.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần rà soát và có sự chỉnh sửa, hướng dẫn cặn kẽ hơn nữa cho các địa phương về các bộ công cụ này. Thực tế cho thấy, bản thân đối tượng được rà soát và người điều tra viên hoặc giám sát viên muốn làm đúng thực chất cũng không thể làm được. Bởi người dân không tự khai báo được tất cả thu nhập do mình sản xuất ra hoặc do mình được tặng, cho hoặc tự sản, tự tiêu hay đã bán ra thị trường sau 12 tháng thì không ai có thể nhớ được. Họ muốn khai đúng cũng không thể đúng được và người đi điều tra thì cũng không thể điều tra hơn được.

Thứ hai, về quy trình tổ chức rà soát, chúng tôi đề nghị giảm bớt liều lượng thích hợp đối với việc triển khai, chỉ đạo của các cấp từ tỉnh xuống huyện mà phải tăng cường ở các hoạt động điều tra thực tế. Điều tra hiện nay của chúng ta không tuân thủ đầy đủ quy định bộ quy trình. Điều tra viên, giám sát viên cũng không rõ ràng. Thông thường tổ chức các tổ đi một lượt để mà xem xét. Do đó, sẽ không đảm bảo tính chính xác.

Thứ ba, hiện nay Bộ Nội vụ cũng nên xem xét cấp xã có 2 biên chế cho cán bộ văn hóa xã, trong đó một biên chế không chuyên trách để phụ trách các vấn đề về lao động, thương binh, xã hội. Tôi đề nghị kiểm tra và yêu cầu các địa phương chấp hành đúng quy định này. Làm sao cho lực lượng cán bộ trực tiếp theo dõi thường xuyên vấn đề xóa đói, giảm nghèo phải nắm chắc được tình hình của địa phương.

Quang Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác