Cam Cao Phong được giá

27/02/2013
(VBSP) Những năm gần đây, huyện Cao Phong (Hòa Bình) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng cam chuyên canh. Năm 2012, Cao Phong trồng mới được 50ha, đưa diện tích cam toàn huyện lên 700ha, trong đó có trên 400ha cam kinh doanh. Mấy năm nay, người dân Cao Phong giàu lên từ trồng cam.
600Cam-Cao-Phong-duoc-gia

Mấy năm nay, người dân Cao Phong giàu lên từ trồng cam

Những ngày cuối năm 2012 , đầu năm 2013 đi dọc quốc lộ 6 qua thị trấn Cao Phong cam được bày bán chồng chất ven đường. Xe tải từ thành phố Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh nối nhau về đây mua cam bán tết. Ông Nguyễn Hồng Lâm ở khu 8 thị trấn Cao Phong cho biết: nhà có gần 2ha, với gần 1.500 gốc cam, năng suất đạt 35 tấn/ha. Vụ này, ông bán tại vườn, giá cam Canh 35 nghìn đồng/kg, cam lòng vàng 15 nghìn đồng/kg, cam giống V.2 là 25 nghìn đồng/kg. Năm ngoái, ông thu 30 tấn quả, sau khi trừ chi phí (25 - 30% doanh thu), gia đình còn thu trên 500 triệu đồng. Năm nay, cam Cao Phong được mùa và được giá, sau khi trừ hết chi phí ông thu về 700 triệu đồng.

Cũng ở thị trấn Cao Phong, ông Phạm Đức Ninh ở khu 2, có tới 3 vườn cam với tổng diện tích khoảng 5 ha. Gia đình ông giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, làm việc chăm sóc, thu hái cam. Do chịu khó đầu tư, vườn cam ông Ninh phát triển tốt, 1/5 ha mới vào kinh doanh năm thứ 2 nhưng quả sai trĩu cành, căng tròn, mong nước, trước mùa thu hoạch thương lái vào tận nhà đặt hàng. Ông thu về trên 500 triệu đồng. Vài năm nữa, khi tất cả diện tích cam đưa vào kinh doanh, hàng năm ông sẽ có nguồn thu ổn định hàng tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Đình Việt, vụ cam năm 2011 Cao Phong đạt sản lượng 7 - 8 nghìn tấn, doanh thu xấp xỉ 90 tỷ đồng, Vụ cam vừa qua được mùa, được giá, sản lượng ước 10 nghìn tấn, mang về cho nông dân khoảng 140 tỷ đồng. Cây cam không chỉ giúp nông dân Cao Phong xóa nghèo, mà còn vươn lên làm giàu. Và, thực tế ở địa phương ngày càng xuất hiện nhiều hơn những triệu phú, tỷ phú từ trồng cam. Với giá cả như Tết Quý Tỵ vừa qua, nhiều gia đình có doanh thu hàng tỷ đồng từ cam. Điển hình như gia đình anh, chị Thu - Luyện, ở khu 2, thị trấn Cao Phong, có 7ha cam, trong đó có 3ha kinh doanh, thu khoảng 2 tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, ở  khu 5 có 5ha cam, đạt số lượng hàng trăm tấn, thu khoảng 2,5 tỷ đồng… Ông Việt cho biết thêm, vừa qua NHCSXH huyện Cao Phong đã tổng kết 10 năm hoạt động. Rất đáng mừng, 10 năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện luôn ở mức 12-13%; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm từ 2 - 3%/năm. Trong kết quả chung, có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH. Hiện nay, có nhiều ngân hàng đầu tư vào Cao Phong, riêng vốn của NHCSXH chiếm trên 30% tổng nguồn vốn đầu tư vào huyện. Năm 2012 vừa qua, NHCSXH cho vay 10 chương trình, trong đó: cho vay nhiều nhất là hộ nghèo, khoảng trên 45 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doang vùng khó khăn trên 23 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên trên 18,2 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm hơn 4 tỷ đồng với 200 dự án. Nông dân lập dự án vay vốn giải quyết việc làm chủ yếu trồng cam và mía. Với suất đầu tư 1ha cam trồng mới từ 70 - 80 triệu đồng, nhưng cả chu kỳ thu hoạch đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, chỉ sau 1 năm thu hoạch, người nông dân có thể gỡ lại toàn bộ vốn đầu tư. “Mặc dù, mức đầu tư còn hạn chế, nhưng bà con nông dân cho rằng nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa nghèo nói chung và hình thành vùng chuyên canh cam nói riêng. Cao Phong đang tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động, vốn đầu tư của ngân hàng để phát triển vùng cam hàng hóa, đặt mục tiêu phấn đấu những năm tới đưa diện tích cam toàn huyện lên 1 nghìn ha. Con số này đang ở trong tầm tay”! - ông Việt khẳng định.

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác