Dong riềng - cây giảm nghèo bền vững

04/03/2013
(VBSP) Từ khi Bắc Kạn xác định kinh tế nông - lâm nghiệp là mũi nhọn hàng đầu thì cây dong riềng được lựa chọn là cây trồng chủ lực. Theo ông Nguyễn Văn Dong - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể: dong riềng là loại cây rất có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh, dễ canh tác, mang lại nguồn thu lớn; là cây chủ lực giúp dân xóa nghèo bền vững và tiến tới làm giàu!
Untitled-1

Dong riềng, cây xóa nghèo bền vững của Ba Bể (Bắc Kạn)

Với tiềm năng đất đai, lao động, triển vọng thị trường tiêu thụ rộng rãi, năm 2012 được tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng là “năm cây dong riềng”. Để nhân rộng diện tích, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ban hành chính sách nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khắc phục khó khăn về vốn. Hai huyện đặc biệt khó khăn là Ba Bể và Pác Nặm, dùng ngân sách địa phương, Chương trình 30a hỗ trợ nông dân toàn bộ tiền giống, các huyện còn lại và thị xã sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống. Nhận thấy cây dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh lại có chính sách hỗ trợ về giống, vì vậy nhân dân phát triển mạnh cây dong riềng. Nếu như, năm 2010 toàn tỉnh chỉ trồng được 270ha thì năm 2011 tăng lên 551ha. Năm 2012, tỉnh Bắc Kạn đặt chỉ tiêu trồng mới 1.300ha cây dong riềng, nhưng thực tế diện tích tăng lên 1.840ha, vượt 40% so với kế hoạch và tăng gần 4 lần so với năm trước. Từ trồng tự phát, nhỏ lẻ, diện tích dong riềng dần được mở rộng quy mô, thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, theo đó, chế biến dong riềng trở thành ngành thủ công nghiệp đại trà. Với cây dong riềng, tỉnh nghèo lắm đất dốc, bước đầu đã tìm được “lối thoát” về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và cả tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cây dong riềng chịu hạn tốt, dễ trồng, không bị sâu bệnh, không lo mất mùa như nhiều cây trồng khác. Đã vậy, trồng dong riềng không phải đầu tư nhiều, 1ha cần khoảng 6 triệu đồng mua giống + 3 triệu đồng mua phân bón, cuốc hố trồng; 1 - 2 lần làm cỏ, vun gốc là chờ đến kỳ thu hoạch. Nếu trồng lúa, gặp năm mưa gió thuận hòa, được mùa, thu khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha; trồng ngô cao sản cũng chỉ được 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Trồng dong riềng với năng suất bình quân 70 tấn/ha, giá bán - tuy không ổn định, nhưng tính mức bình quân khiêm tốn nhất 1 nghìn đồng/kg, cũng thu về 70 triệu đồng/ha/năm. Sơ bộ tính toán, năm 2012, nông dân Bắc Kạn thu về khoảng 180 tỷ đồng từ cây dong riêng, giải quyết việc làm tại chỗ cho 1 nghìn lao động.

Theo ông Trần Xuân Lễ - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, từ khi tỉnh triển khai mở rộng diện tích dong riềng chi nhánh đã thực hiện cho nông hộ vay trồng và chế biến dong riềng thông qua các chương trình vay vốn. Năm 2012, với tổng nguồn vốn 1.169 tỷ đồng, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đạt tổng dư nợ hơn 1.167 tỷ đồng. Trong đó, cho vay lớn nhất là đối tượng hộ nghèo hơn 507 tỷ đồng, tiếp đến cho vay hỗ trợ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hơn 358 tỷ đồng… Có thể nói, năm qua NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần quan trọng giúp tỉnh thực hiện giảm nghèo được 6%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 17,53%.

Thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh (Na Rì) có 35 hộ đồng bào dân tộc Dao. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp ở địa phương, năm 2007 thôn thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận ủy thác từ NHCSXH huyện, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn sản xuất. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác và triển khai cho hộ nghèo vay vốn với dư nợ gần 900 triệu đồng. Ông Hoàng Đức Toàn - Trưởng thôn Lủng Pảng cho biết: hiện thôn chỉ còn 17 hộ nghèo, trung bình mỗi năm giảm được từ 3 - 5 hộ nghèo. Ông Bàn Quý Hưng là một trong những hộ thoát nghèo năm 2012, kể: Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, gia đình được vay 30 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi trâu, lợn và trồng dong riềng. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2012 trừ chi phí đầu tư, gia đình thu nhập được gần 30 triệu đồng. “Không riêng gia đình tôi, ở Lủng Pảng nhiều hộ đồng bào Dao như gia đình ông Lý Kim Đường, Lý Kim Sinh, Triệu Kim Đường… cũng thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu” - ông Hưng báo tin vui.

Năm 2012, Na Rì là huyện có diện tích dong riềng lớn nhất Bắc Kạn - trên 800ha. Năm 2013, dự kiến tăng lên khoảng gần 1 nghìn ha. Bắc Kạn nói chung và huyện Na Rì nói riêng, chưa có cây trồng nào trên đất canh tác mang lại hiệu quả lớn hơn cây dong riềng.

Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác