Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại NHCSXH tỉnh Sóc Trăng: Thành công bước đầu và kế hoạch tương lai

13/03/2013
(VBSP) Là một tỉnh nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng còn muôn vàn khó khăn khi hạ tầng cơ sở còn nhiều thiếu thốn, điều kiện phát triển sản xuất của bà con bị hạn chế, trình độ dân trí thấp. Nhiều mô hình làm kinh tế khả thi nhưng vì thiếu vốn nên không thể nhân rộng được. Trong khi đó để vay vốn các Ngân hàng Thương mại thì vấn đề lãi suất là quá sức với ngư ời dân nghèo. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung của tỉnh.

2a.-Nang-cao-tin-dung-tai-Soc-trang

Người dân tìm hiểu các chủ trương chính sách về tín dụng ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Giúp người nghèo tháo gỡ khó khăn

Trong những ngày này chúng tôi có dịp thăm mô hình nuôi cá rô đồng của ông Lâm Phích, ngụ ấp Khoang Tang, thị trấn Long Phú (Long Phú), đây là hộ điển hình trong việc sử dụng vốn của NHCSXH đúng mục đích. Qua trao đổi được biết, trước đây, mấy công đất vườn ở phía sau nhà ông Phích chủ yếu trồng những loại cây không đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên ông quyết định phá vườn đào ao nuôi cá. Lúc đầu, gia đình ông chủ yếu thả nuôi cá sặc rằn, ếch… do môi trường nuôi không thích hợp và thị trường tiêu thụ không ổn định nên thường thua lỗ. Được sự hỗ trợ vốn vay từ NHCSXH huyện Long Phú, ông Phích mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá rô và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua quá trình đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong vụ nuôi đầu cộng với việc xem báo, nghe đài, báo học hỏi thêm nhiều kiến thức mới áp dụng vào sản xuất nên trong vụ nuôi gần đây cá lớn nhanh và phát triển, sau khi trừ chi phí ông còn lãi 14 triệu đồng. Nhờ chịu khó làm ăn và tiết kiệm, đến nay gia đình đã thoát nghèo bền vững. Cũng như ông Phích, gia đình chị Lý Thị Vàng, ngụ tại ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng trước kia cũng rất khó khăn, từ khi được NHCSXH huyện Long Phú cho vay 10 triệu đồng để sản xuất, gia đình chị Vàng đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng các loại cây màu và cây ăn trái cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Hiện, gia đình chị đã chuộc được đất và mua thêm 2 công ruộng, đồng thời còn mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Rời huyện Long Phú, chúng tôi đến thăm xã nông thôn mới Phú Tân thuộc huyện Châu Thành. Những ngày này, người xe xuôi ngược làm cho ngày đầu năm mới ở huyện lúa này thêm phần sôi động. Phấn khởi vì có nhà mới để ở, vợ chồng anh Lâm Quốc Huy tâm sự: “Năm nay mình được ở trong ngôi nhà mới rồi, chỉ lo phát triển kinh tế tăng thu nhập để được vui xuân, đón tết thôi”. Vậy là, nhờ Chương trình 167, nhiều hộ nghèo ở Phước Quới và xã Phú Tân có nhà mới khang trang. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để làm nhà ở”, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 8,4 triệu đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và được vay ưu đãi từ NHCSXH 8 triệu đồng để làm nhà ở.

Nói về kết quả hoạt động của NHCSXH tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Quách Việt Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét: “Qua kết quả hoạt động hằng năm cho thấy, NHCSXH đã đầu tư vốn đúng đối tượng thụ hưởng và đạt được những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, năm 2012 NHCSXH tỉnh đã giúp cho trên 7.000 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho hơn 5.000 lao động nhàn rỗi có việc làm ổn định, hơn 20.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn có đủ chi phí để học tập; xây dựng trên 5.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 11.000 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách”.

Nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng

Mục tiêu của NHCSXH tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới là tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng đã được phê duyệt nhằm nâng cao và làm trong sạch, lành mạnh chất lượng tín dụng, nâng cao nhận thức cho người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong đó, sẽ tập trung ở tất cả 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Nói về vấn đề này, đồng chí Giám đốc NHCSXH tỉnh Sóc Trăng, Dương Đình Lạng cho biết thêm: “Sau khi thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng, số nợ quá hạn đã giảm mạnh. Ý thức của hộ vay ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tính đến nay, nợ quá hạn của đơn vị còn hơn 45,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 2,6% so với tổng dư nợ và hiện đã thu hơn 21 tỷ đồng nợ quá hạn. Đạt được kết quả trên là do các đơn vị cơ sở đã tập trung thực hiện các biện pháp xử lý nợ sau khi đã thực hiện rà soát, phân tích nợ quá hạn.

Song song đó, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quan tâm nâng cao chất lượng giao dịch xã, căn cứ 5 chỉ tiêu của Đề án là tồn tại nợ quá hạn, lãi tồn đọng, nợ bị chiếm dụng, nợ chưa đổi sổ, Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cụ thể cho từng hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Những tổ không nộp lãi đề nghị hội, đoàn thể kiểm tra và yêu cầu nộp ngay trong tháng, kể cả hộ nào chưa nộp lãi đề nghị Tổ trưởng đôn đốc nộp lãi, báo cáo tại buổi họp giao ban. Sau khi giao dịch kết thúc, cán bộ tín dụng phối hợp với hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn xuống trực tiếp những hộ khó khăn để xử lý. Cuối tháng thống kê, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với cấp ủy, chính quyền địa phương và NHCSXH tỉnh.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá nợ, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh tăng cường đi cơ sở nắm tình hình, chỉ đạo thực hiện. Tổ chức phát động phong trào thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu lãi hàng tháng để động viên khuyến khích kịp thời các NHCSXH huyện. Đối với nợ xấu, nợ đến hạn, lãi tồn đọng thực hiện sao kê phối hợp với Trưởng ban nhân dân ấp, hội, đoàn thể phân tích hộ có khả năng trả nợ, sau đó UBND cấp xã mời lên trụ sở ấp làm việc thu hồi nợ, kể cả làm thủ tục khởi kiện để xử lý những hộ chây ỳ.

Trong quá trình thực hiện Đề án, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng, hộ có tư cách tốt, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, đơn vị rất chú trọng cho vay hộ nghèo chưa được tiếp cận vốn NHCSXH, hộ trả nợ tốt chưa thoát nghèo. Gắn trách nhiệm của hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn và có ý thức trả nợ tốt, tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, đoàn thể của 11 huyện, thị trấn và các xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài những biện pháp trên, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng còn nâng cao chất lượng giao dịch, giao ban tại xã, phối hợp với hội, đoàn thể tập trung khắc phục 5 chỉ tiêu còn tồn đọng (xử lý nợ xấu, lãi tồn đọng, nợ chưa đổi sổ, nợ bị chiếm dụng và củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn). Đồng thời, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo nợ rủi ro được xử lý kịp thời và đúng quy trình theo hướng dẫn của ngành… Hiện, tất cả 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có Điểm giao dịch của NHCSXH.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn cho biết thêm, hiện nay các Điểm giao dịch trên toàn tỉnh thường xuyên họp giao ban, tổ chức huy động vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, chi hoa hồng, nhận tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời thực hiện các giải pháp xử lý hộ vay chây ỳ, kiểm tra xác minh hộ khó khăn đột xuất về tài chính, tuyên truyền các chủ trương chính sách của tín dụng ưu đãi làm cho người dân hiểu và thực hiện tốt việc sử dụng vốn vay ưu đãi.

Lưu Quang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác