Những kỷ niệm không quên

13/03/2013
(VBSP) Ngày này, cách đây 10 năm (11/3/2003 - 11/3/2013) NHCSXH vinh dự được Thủ tướng Chính phủ đến dự và cắt băng khai trương hoạt động. Để ôn lại những kỷ niệm ra đời của một tổ chức tín dụng đặc thù của Chính phủ, Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Quốc Huy - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; nguyên Ủy viên HĐQT NHPVNNg và NHCSXH.

Cat-bang-khai-truong-NHCSXH600

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập

Sau một thời gian phát triển kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu - nghèo ở nước ta đã tăng lên rất nhanh và trở thành nhân tố đe dọa sự ổn định chính trị và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ giàu nghèo không thể bằng cách hạn chế làm giàu mà phải hỗ trợ cho người nghèo để họ tự vươn lên. Thực tiễn cũng cho thấy hình thức hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả nhất là cho vay vốn có thu hồi, kể cả cho vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí chỉ thu hồi lại một phần vốn đã cho vay. Năm 1995, Chính phủ đã cho phép thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHPVNNg) để thực hiện loại hình tín dụng này.

Chỉ mấy năm sau khi thành lập, NHPVNNg đã phát triển với tốc độ rất cao. Rồi Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 được ban hành. Khoản 3, Điều 4 của Luật quy định: “Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã cho thành lập Tổ Chuyên gia liên ngành gồm một số Thứ trưởng và cán bộ cấp vụ của các Bộ, ngành liên quan có nhiệm vụ xây dựng cơ chế hoạt động và mô hình tổ chức quản lý loại hình tín dụng chính sách.

Tổ Chuyên gia liên ngành được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ), tôi - Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được cử làm Tổ trưởng và anh Hoàng Nghĩa Tứ - Chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ phụ trách nhóm biên tập. Trong Tổ Chuyên gia liên ngành có đại diện của các Bộ khác nhau, đại diện cho các mối quan tâm khác nhau nên chúng tôi phải thảo luận rất nhiều để đạt được sự đồng thuận, tìm được tiếng nói chung trong việc giúp đỡ cho người nghèo được nhiều nhất. Bởi nghèo đói sẽ dẫn đến bất ổn chính trị và khi chính trị - xã hội không ổn định thì kinh tế cũng không thể phát triển được! Đối với những vấn đề mà các thành viên của Tổ Chuyên gia liên ngành không thể nhất trí được với nhau, chúng tôi đều báo cáo xin ý kiến quyết định của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhung-ki-niem-khong-quen-(3)600

Đồng chí Nguyễn Quốc Huy (đứng) tham gia ý kiến tại phiên họp thường kỳ HĐQT

Trong quá trình xây dựng Đề án, chúng tôi được thừa hưởng những kinh nghiệm phong phú của nước ta về các phương thức quản lý khác nhau đối với tín dụng xóa đói, giảm nghèo. Trong những năm 1986 - 1992, Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, cho các tổ chức kinh tế và dân cư thuộc vùng núi cao, hải đảo, vùng đồng bào Khmer sống tập trung vay vốn với lãi suất ưu đãi. Năm 1993, thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo và đến năm 1995, thành lập NHPVNNg nằm trong hệ thống NHNo&PTNT. Chúng tôi cũng nghiên cứu những mô hình tương tự của các nước và đã chắt lọc các kinh nghiệm quý báu của thế giới để vận dụng sát với thực tiễn để khai thác tối đa lợi thế của hệ thống chính trị nước ta.

Khi thảo luận về các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, bên cạnh những thành viên của Tổ Chuyên gia liên ngành đề nghị mở rộng thêm số đối tượng mới thì cũng có những thành viên yêu cầu giữ nguyên hoặc thu hẹp bớt. Trong dự thảo trình Chính phủ, chúng tôi chỉ kể ra những đối tượng đang được hưởng chính sách ưu đãi theo các văn bản hiện hành của Nhà nước; đồng thời, soạn thêm một khoản để ngỏ: “Các đối tượng khác khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Vì thế, mặc dù trong những năm vừa qua, đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đã thay đổi khá nhiều nhưng vẫn phù hợp với những quy định trong Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trước đây, việc tranh thủ nguồn vốn ngân sách địa phương cho tín dụng xóa đói, giảm nghèo cũng đã được đặt ra, nhưng vì số vốn đó cũng được ngân hàng cho vay theo cơ chế chung, nên đã không khuyến khích sự đóng góp của các địa phương. Khi xây dựng cơ chế mới, chúng tôi đã đề xuất thay hình thức “đóng góp” bằng hình thức “ủy thác”, tức là khi địa phương tiết kiệm được ngân sách thì ủy thác cho ngân hàng cho vay theo cơ chế ưu đãi riêng của địa phương. Lúc đầu, cũng có thành viên Tổ Chuyên gia liên ngành không đồng tình với quan điểm này vì lo ngại phá vỡ mất sự thống nhất của cơ chế chung. Nhưng dần dần chúng tôi cũng thống nhất được với nhau, bởi mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của cơ chế, chính sách là huy động được nhiều nguồn vốn nhất cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Thực tế những năm vừa qua đã cho thấy cách thức huy động vốn mới này không những đã khuyến khích các địa phương có điều kiện mà ngay cả các địa phương còn khó khăn cũng cố gắng tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng xóa đói, giảm nghèo.

Việc đặt tên cho tổ chức ngân hàng mới cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Trong bản dự thảo ban đầu, chúng tôi vẫn giữ lại tên cũ là NHPVNNg và đưa ra xin ý kiến trong các cuộc Hội nghị được tổ chức tại 5 vùng trong cả nước. Trong các cuộc họp ở vùng Đông và Tây Nam Bộ, nhiều đại biểu tha thiết đề nghị thay tên cũ vì cho rằng dân Nam Bộ rất “kỵ” với chữ nghèo. Họ kể rằng, cứ đến dịp đầu năm mới, NHPVNNg tặng lịch cho các hộ nghèo, nhưng bị các hộ từ chối vì họ không muốn treo “cái nghèo” trong nhà mình. Tôi cũng được nghe anh em kể câu chuyện vui về chuyến công tác vào miền Tây của anh Phạm Văn Thực và anh Hoàng Nghĩa Tứ (cán bộ của Tổ Chuyên gia tư vấn NHPVNNg). Trên đường công tác, các anh ghé lại một quán ăn bên đường. Các anh vừa ngồi vào bàn thì chị chủ quán đến gần lễ phép nói: “Năm mới, các chú đã đến rồi thì con mời các chú dùng bữa, lần sau xin các chú đi quán khác”. Hai anh rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao. Lúc về đến nhà mới nghĩ ra, trên áo của các anh mặc lúc đó có in tên của NHPVNNg (!) Người ta sợ khách mang “cái nghèo” đến nhà hàng!

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Tổ Chuyên gia liên ngành trình bày dự thảo văn bản cuối cùng, Thường trực Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của chúng tôi đặt tên cho tổ chức mới là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Lúc đầu, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng muốn giữ lại tên cũ vì nó chỉ rõ mục đích của ngân hàng là phục vụ cho người nghèo và nó cũng đã được thế giới biết đến. Tuy nhiên, sau khi nghe Tổ Chuyên gia liên ngành giải trình về ý nghĩa của tên gọi mới, và chúng tôi cũng không quên nhắc lại nguyện vọng của các cán bộ ngân hàng và của cả những người nghèo, cuối cùng, Thủ tướng cũng chấp nhận đề xuất của chúng tôi.

Việc xác lập mô hình hoạt động và phương thức quản lý của ngân hàng mới nhanh chóng nhận được sự tán đồng của nhiều người, bởi vì, trước khi đi đến mô hình NHCSXH, suốt 15 năm, kể từ năm 1986, thực hiện chính sách tín dụng xóa đói, giảm nghèo, chúng ta đã từng thử nghiệm hầu hết các phương thức quản lý khác nhau, đã rút ra được những bài học thành công và thất bại. Để kịp thời thích ứng với những thay đổi trong tương lại, Nghị định của Chính phủ đã quy định phương thức cho vay theo hướng đa dạng: NHCSXH trực tiếp cho vay hoặc ủy thác cho các tổ chức tín dụng hoặc ủy thác cho các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định này đã cho phép NHCSXH, sau khi phát hiện những khiếm khuyết của phương thức ủy thác toàn phần cho NHNo&PTNT, đã chuyển hướng kịp thời sang ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội. Tư tưởng về một cơ chế mở, linh hoạt đề ra trong Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã giúp anh chị em NHCSXH sau này đã sáng tạo ra Điểm giao dịch tại xã, hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội, đưa hoạt động của ngân hàng về tận cơ sở xã, phường.

Việc ai làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của NHCSXH cũng được đặt ra trong quá trình thảo luận xây dựng Đề án. NHPVNNg trước đây nằm trong NHNo&PTNT, do một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm Chủ tịch, nay đã được tách ra và trở thành một ngân hàng riêng, phạm vi hoạt động rất rộng và có các mối quan hệ ràng buộc với nhiều cấp, nhiều ngành, nên người đứng đầu cần có vị trí cao hơn. Qua nhiều lần thảo luận, Tổ Chuyên gia liên ngành thống nhất đề xuất với Chính phủ cử một Bộ trưởng (hoặc là Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) làm Chủ tịch HĐQT. Và Chính phủ đã chọn phương án Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT NHCSXH.

Có được cơ chế, chính sách rồi, nhưng việc tổ chức thực hiện quả thật khó khăn, gian khổ. Nói NHCSXH tách ra từ NHNo&PTNT, nhưng thực tế, ngân hàng này phải xây dựng lại từ đầu. Thiếu cán bộ và thiếu cả phương tiện làm việc. Rất may, những anh chị em đến với NHCSXH phần lớn là những người đã gắn bó nhiều năm với NHPVNNg, là những người rất tâm huyết với công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Các Bộ, ngành và các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã tạo mọi điều kiện để ngân hàng đi vào hoạt động, họ cử cán bộ vào Ban đại diện HĐQT và cả những cán bộ sang giúp điều hành công việc của ngân hàng. Nhiều nơi đã bố trí chỗ làm việc và cung cấp phương tiện hoạt động cho NHCSXH. Một không khí say sưa, phấn khởi và khẩn trương theo khẩu hiệu “vừa chạy vừa xếp hàng” đã bao trùm lên cả hệ thống NHCSXH từ Trung ương đến địa phương.

Trong những ngày đầu khó khăn đó, NHCSXH đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Trong một lần gặp mặt thân mật anh chị em cán bộ NHCSXH, Thủ tướng đã nói vui: “Mấy đứa làm việc cho NHCSXH, cho người nghèo là tích đức cho con cháu đó!”. Ngày 11/3/2003 tại Hà Nội, NHCSXH làm Lễ khai trương hoạt động, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có mặt, cắt băng khai trương. Và đúng một tuần sau, ngày 18/3/2003, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 05/2003/CT-TTg yêu cầu các ngành, các cấp bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau một năm hoạt động, NHCSXH đã có báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Phan Văn Khải đọc rất kỹ bản báo cáo, dùng bút mực đỏ gạch chân nhiều đoạn và phê chi chít bên lề. Thủ tướng cho gọi tôi đến và bảo: “Anh nghe mấy đứa báo cáo NHCSXH vừa tách khỏi NHNo&PTNT, còn thiếu thốn nhiều thứ quá, chưa có cả nơi làm việc. Quốc Huy bàn với các Bộ xem có cách gì giúp NHCSXH”. Rồi đột nhiên, Thủ tướng hỏi: “Muốn xây dựng được hệ thống trụ sở cho NHCSXH tương đối hoàn chỉnh thì mất khoảng bao lâu?” Tôi đã thưa với Thủ tướng, hệ thống Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Thuế phải xây dựng mất từ 10 đến 15 năm, NHCSXH chắc cũng không ít hơn. Thủ tướng trầm ngâm một lúc rồi hỏi tiếp: “Có cách gì nhanh hơn không?” Và sau đó chưa đầy một tháng, ngày 16/3/2004, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg. Chỉ thị 09 đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và đã tạo bước ngoặt trong việc hình thành hệ thống cơ sở vật chất cho NHCSXH.

Cho tới hôm nay, sau 10 năm hoạt động, NHCSXH đã làm đúng các yêu cầu do Chính phủ đề ra ngay từ ngày đầu thành lập và ngân hàng cũng đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế nước ta và trong lòng những người nghèo.

… và những chuyến đi kiểm tra ở cơ sở

Trong thời gian tham gia HĐQT NHPVNNg và NHCSXH, tôi đã cố gắng hoàn thành chương trình kiểm tra hằng năm của HĐQT. Tôi vẫn nghĩ mình đi kiểm tra không phải là để “vạch lá tìm sâu”, để phê bình người này hay kỷ luật người kia mà điều cốt yếu là để động viên anh em cấp dưới, giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu thập kinh nghiệm để đóng góp cùng HĐQT có những quyết sách sát đúng hơn. Việc các thành viên HĐQT là lãnh đạo của các Bộ, các ngành và của các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có mặt tại cơ sở sẽ động viên, khích lệ các thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp và các cán bộ địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo và trong hoạt động của NHCSXH.

Công việc của Văn phòng Chính phủ không cho phép tôi vắng mặt lâu ngày, vì thế tôi thường đi kiểm tra vào dịp cuối tuần. Để bảo đảm chất lượng của các cuộc kiểm tra trong điều kiện thời gian hạn hẹp, tôi đã bàn với bộ phận điều hành của NHCSXH cử cán bộ nghiệp vụ đi kiểm tra trước. Tôi nghiên cứu kỹ các dự thảo kết luận của bộ phận chuyên môn và dành phần lớn thời gian xuống xã, gặp gỡ hộ nghèo. Khi kết thúc chuyến đi, chúng tôi họp để công bố kết quả kiểm tra và chỉ đạo những việc cần triển khai tiếp. Cách làm việc này đã tỏ ra là có hiệu quả, được anh em trong bộ phận điều hành của ngân hàng tán đồng.

Tôi xin kể về một số chuyến đi kiểm tra tại các địa phương. Ở đó, tôi đã gặp nhiều người, thấy và nghe nhiều chuyện, và tất cả đã để lại trong tôi rất nhiều điều suy ngẫm. 

Một, lần đi kiểm tra công tác cho vay hộ nghèo tại tỉnh Lai Châu (lúc đó chưa tách riêng tỉnh Điện Biên), chúng tôi về bản Huổi Lới (vì lâu ngày nên có thể tôi nhớ không chính xác), cách TP. Điện Biên chưa đầy 10 cây số về phía Đông Bắc. Bản nằm trên sườn núi dốc, nhìn thì gần nhưng leo vã mồ hôi mới lên đến nơi. Trong bản ngày đó có 21 hộ dân thì có đến 19 hộ nghèo. Chúng tôi ghé thăm những căn nhà sàn của bà con người dân tộc thiểu số, sàn và vách đều được làm bằng tre, nứa nhưng đã lâu ngày, bị hư hỏng nên trống hơ trống hoác. Chúng tôi lục lọi khắp nhà tìm lương thực nhưng cũng chỉ thấy có mấy củ sắn nằm chỏng chơ cạnh bếp. Tôi hỏi chị chủ nhà về chồng, con, chị cho biết, chồng và hai con của chị đã vào rừng từ sớm để kiếm thứ gì đưa ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Các hộ ở đây có ít đất canh tác nên lương thực chỉ đủ ăn bốn, năm tháng trong một năm.

Nghe tin có cán bộ ngân hàng về bản, rất đông bà con kéo đến nhà Trưởng bản gặp chúng tôi. Một cuộc họp bất thường của dân bản Huổi Lới với cán bộ NHPVNNg được tổ chức ngay tại nhà Trưởng bản. Sau khi làm việc xong, bà con Huổi Lới chiêu đãi chúng tôi rượu trắng với bữa trưa độc một món thịt lợn luộc. Một chị nói tiếng kinh rất sõi, ngồi cạnh gắp mời tôi một miếng thịt lợn to tướng. Tôi vừa đưa lên miệng nhai thì nghe một tiếng “cộc“. Răng bị đau buốt, nhưng tôi vẫn cố nhai và cuối cùng tôi cũng nhằn ra được một viên bi sắt. Chị phụ nữ ngồi cạnh tôi cười và giải thích đó là đạn súng săn, dân bản nuôi lợn thả rông trong rừng, khi nào muốn ăn thịt thì mang súng ra bắn. Tôi khen chị giỏi tiếng kinh, chị cho biết, chị là người dưới xuôi lên đây làm công nhân cầu đường, rồi chị yêu người con trai của bản Huổi Lới và ở lại đây luôn. Chị kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình của chị, rồi chị nói: “Huổi Lới nghèo lắm, có lẽ nghèo nhất nước, nhưng chị đã sống ở đây lâu và quen rồi, chị không muốn đi đâu nữa”.

Hai, đầu năm 2000, trong đợt kiểm tra cho vay hộ nghèo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi vào thăm một hộ nghèo đang vay tiền của NHPVNNg. Chị chủ nhà khoảng ngoài 50 tuổi, có 3 đứa con trai to khỏe, khoảng từ 18 đến 25 tuổi. Trong nhà chỉ có độc một chiếc giường ọp ẹp, thế mà tối tối 3 đứa con leo lên đó ngủ, còn người mẹ nằm trên chiếc võng buộc giữa hai cột nhà. Mái nhà ở phía trên chiếc võng của người mẹ bị dột một mảng to tướng, nhìn thấy cả bầu trời. Để tránh mưa, chủ nhà đã căng một tấm nilông phía trên võng. Trong nhà không có một thứ gì đáng giá, tủ cũng không mà bàn ghế cũng không, chỉ có mấy bộ quần áo cũ vắt trên đầu giường.

Hộ này đã vay của NHPVNNg 3 triệu đồng để nuôi lợn, nhưng đã quá hạn hơn hai năm nay. Người ta xếp họ vào diện khách hàng “chây ỳ”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đó mấy năm, chồng chị bị ngã bệnh, gia đình phải bán lợn và sau đó là “cắm” ruộng để lấy tiền thuốc thang cho anh. Nhưng anh cũng không qua khỏi. Rồi anh mất đi, để lại cho vợ con một món nợ ngân hàng 3 triệu đồng và không còn đất để canh tác. Chúng tôi đã bàn với gia đình về một phương án hỗ trợ để gia đình có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này: Ngân hàng sẽ gia hạn nợ cũ và tiếp tục cho vay mới để gia đình chuộc lại đất; cơ quan khuyến nông của huyện cùng chính quyền và Hội Phụ nữ xã sẽ giúp gia đình về cách làm ăn, khi nào có thu nhập sẽ trả nợ ngân hàng. Nhưng thật bất ngờ, gia đình đã từ chối đề xuất của chúng tôi. Họ nói họ sợ mắc nợ không trả được. Họ đề nghị ngân hàng cho các hộ giàu vay và họ sẽ đi làm thuê cho các hộ đó. Tôi hỏi 3 cháu đi làm thuê kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày. Chúng cho biết, buổi sáng 3 đứa ra ngoài lộ đứng, có ai thuê thì đi làm, mỗi ngày, mỗi đứa kiếm được khoảng 20 nghìn đến 30 nghìn đồng. Với số tiền đó, chúng đưa cho mẹ một nửa, còn một nửa chúng giữ lại, chờ đến tối, cả ba đứa kéo nhau ra quán làm mấy “xị rượu” rồi về ngủ.

Ba, hôm đi kiểm tra chi nhánh TP. Cần Thơ, chúng tôi đã vào thăm một hộ nghèo còn nợ quá hạn của ngân hàng. Hộ này có vay của NHPVNNg 500 nghìn đồng ngay từ lúc ngân hàng mới thành lập, sau đó đã trả được 300 nghìn đồng và còn nợ lại 200 nghìn đồng. Vì còn nợ quá hạn nên hộ này không được ngân hàng cho vay nữa. Tôi hỏi chị chủ nhà, nếu có tiền thì chị sẽ làm gì, chị nói nếu có 3 đến 5 triệu đồng, chị sẽ mở quán bán hàng, ở nơi thị tứ này, chị có thể kiếm được tiền. Các cán bộ địa phương cùng đi trong Đoàn của chúng tôi cũng đều xác nhận những điều chị chủ nhà vừa nói. Khi Đoàn kiểm tra ra về đến ngoài lộ, tôi nói người lái xe dừng lại, rồi cùng anh cán bộ chi nhánh TP. Cần Thơ và chị Hội trưởng Hội Phụ nữ xã quay lại tìm chị chủ nhà. Tôi rút trong ví ra 200 nghìn đồng đưa cho chị và dặn chị trả nợ cho ngân hàng để được vay tiếp và tôi cũng đề nghị Hội Phụ nữ xã theo dõi, giúp đỡ gia đình chị.

Chuyện xẩy ra cũng đã được 10 năm và tôi cũng đã quên. Nhưng đến đầu năm 2012 vừa rồi, tình cờ gặp lại anh cán bộ chi nhánh TP. Cần Thơ năm nọ, anh đã nhắc tới câu chuyện cũ và nói: “Hôm đó, anh Huy không rầy la chúng tôi vì anh biết chúng tôi làm đúng quy định, nhưng việc anh đưa cho chị chủ nhà 200 nghìn đồng làm chúng tôi suy nghĩ nhiều lắm. Đúng là chúng tôi có phần hơi máy móc, nếu như hết lòng với người nghèo thì chắc thế nào cũng tìm ra cách giúp đỡ họ”. Thực ra, khi đó, tôi cũng chỉ có mỗi một suy nghĩ là cố tìm cách nào đó để “gỡ bí” cho anh em cấp dưới mà thôi.

Bốn, lần lên cao nguyên đá Hà Giang, Đoàn chúng tôi đã đi xuyên qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nghe nói gần đây cao nguyên đá Hà Giang đã được thế giới công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”, bà con trên đó mừng lắm! Nhắc đến cao nguyên đá Hà Giang, người ta thường nghĩ tới một điểm đến du lịch trữ tình, đầy hấp dẫn và đáng được thưởng ngoạn. Nhưng với tôi, chuyến đi lần đó đã để lại nhiều tâm tư, trăn trở. Đến xã Lũng Cú của huyện Đồng Văn, nơi địa đầu của Tổ quốc, có cột cờ lịch sử trên đỉnh núi Rồng, chúng tôi vào thăm các hộ nghèo tham gia chương trình cho vay nuôi bò của NHCSXH. Ở đây, chúng tôi đã gặp lại cái nghịch cảnh của thời bao cấp gần 20 năm trước, khi người dân trong các thành phố nuôi lợn để cải thiện đời sống. Ngày đó, người ta lo lợn ốm hơn là lo con ốm. Giờ đây, ở vùng đất “nổi tiếng” này, người ta cũng chăm lo cho con bò hơn cả con người: Chuồng bò được làm rất chắc chắn, ấm vào mùa đông và mát về mùa hè, sàn chuồng có nơi được lát bằng gỗ và được quét dọn sạch sẽ; còn nhà ở cho người thì tuyềnh toàng, nền đất mấp mô, nứt nẻ, gà và lợn cùng đào bới tro than bên bếp, dây buộc ngô bắp chăng khắp nhà và người nằm ngủ lẫn giữa các đống cỏ khô và rơm rạ.

Đến Mèo Vạc, chúng tôi lên núi thăm các hộ nghèo của đồng bào dân tộc Mông. Tôi cũng không rõ, vì sao và từ khi nào người Mông lại có thói quen chọn đất làm nhà ở những nơi cao chót vót với những điều kiện sống hết sức khó khăn như vậy. Từ nhà ở trên núi cao, bà con người Mông phải đi bộ hàng giờ mới xuống tới suối để gùi nước đưa về dùng. Không biết có phải vì thế mà người ở đây ít tắm, nghe nói, hàng tuần, có khi hàng tháng người ta mới tắm một lần.

Chúng tôi để xe ô tô lại thị trấn Mèo Vạc rồi đi xe máy men theo con đường núi hẹp, gồ ghề để về bản của người Mông. Hai bên đường, dù ở vách núi hay trên mặt đồi, đâu đâu cũng đá, toàn một màu đen xám ngắt, ở giữa những hốc đá nhỏ là những khóm ngô đã lụi tàn vì đã qua mùa thu hoạch. Xe máy của chúng tôi cứ nhảy tâng tâng, tôi phải ôm chặt người lái để khỏi rơi xuống xe. Khoảng hơn một giờ sau, chúng tôi đã có mặt dưới chân một ngọn núi cao. Cả Đoàn chỉ có anh Giám đốc NHCSXH huyện Mèo Vạc và tôi là có giày mềm, nên có thể tiếp tục leo bộ, còn những người khác phải nghỉ lại dưới chân núi. Leo đến mỏi rời cả chân, chúng tôi mới đến được một bản của người Mông sống giữa lưng chừng núi. Chúng tôi ghé thăm một gia đình vừa được vay vốn của ngân hàng để nuôi bò. Ở nhà lúc đó có 1 cụ già và 5 đứa trẻ. Bố mẹ của những đứa trẻ đang vào rừng chặt cây về dựng chuồng bò.

Hôm đó là vào khoảng cuối thu, vùng núi đá này đã khá lạnh, ấy vậy mà trong 5 đứa trẻ chỉ có đứa con gái lớn khoảng 13 tuổi là có chiếc quần đùi và tấm áo rách tả tơi. Ba đứa em kế đó, một đứa mặc áo còn hai đứa trần truồng. Môi của những đứa trẻ thâm tím, nhưng điều kỳ lạ là chúng chẳng hề cảm thấy rét run vì lạnh. Bà cụ già đang bế đứa cháu út trong tay. Tôi không thể tin nỗi vào mắt  mình, khi bà cụ cho biết cháu bé đã hai tuổi. Nó như một đứa bé mới sinh, đầu to, chân tay khẳng khiu, mắt đờ đẫn, nằm bất động trong đôi tay gầy guộc của bà. Tôi không biết các bác sỹ sẽ bảo cháu bé suy dinh dưỡng ở cấp độ mấy, nhưng hình ảnh hai bà cháu người Mông gặp hôm đó giữa cao nguyên đá Hà Giang cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi.

Năm, Mường Lát là huyện nghèo và xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Đường từ TP. Thanh Hóa lên tới Mường Lát xa hơn ra Hà Nội và tất nhiên cũng khó đi hơn nhiều. Ngày đó, tôi nghe nói còn nhiều hộ đồng bào Mông ở Mường Lát chưa được vay vốn của NHCSXH và tôi quyết định đến tận nơi để kiểm tra. Đường núi quanh co, gập ghềnh, nhiều đoạn phải đi trong mây mù dày đặc, nhưng đi mãi rồi chúng tôi cũng đến. Chúng tôi dành phần lớn thời gian vào thăm các bản làng, đến từng hộ, gặp gỡ cán bộ xã, các hội, đoàn thể và các Đồn biên phòng.

Đến đây, chúng tôi mới biết người ta chia người Mông ở Mường Lát thành hai nhóm, một nhóm gồm những người Mông “bản địa”, tức là đã sống ở đây nhiều đời, đã có hộ khẩu thường trú và nhóm kia gồm những người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào khoảng 10, 15 năm trở lại. Để tìm một cuộc sống đỡ khó khăn hơn, người Mông từ vùng núi phía Bắc đi dần xuống phía Nam. Lúc đầu họ đi từng nhóm nhỏ gồm những người khỏe mạnh, họ sống trong rừng sâu của Mường Lát, đốt rừng làm nương rẫy. Khi những người đi trước đã làm được nhà ở và có đất canh tác thì họ mới đưa cả gia đình vào. Nhưng nếu cuộc sống không được bảo đảm, họ lại tiếp tục ra đi.

Nhiều gia đình người Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào Mường Lát tuy đã được 7, 8 năm, thậm chí là hơn 10 năm, nhưng chưa có hộ khẩu, họ có thể ra đi bất cứ lúc nào, xã cũng không quản lý được. Ở đây, chúng tôi cũng phát hiện thêm một điều: Bộ đội biên phòng hiểu rõ tình hình của những hộ dân di cư tự do hơn ai hết. Được sự đồng ý của Tổng Giám đốc NHCSXH, ngay trong chuyến đi này, chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã ký “cam kết tay ba” với chính quyền xã và Bộ đội biên phòng. Trong đó quy định: Bộ đội biên phòng cung cấp danh sách các hộ đồng bào Mông đã ổn định cuộc sống ở Mường Lát; chính quyền xã điều tra, xác định những hộ nghèo theo tiêu chí chung của Chính phủ và chỉ đạo các hội, đoàn thể thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn; còn NHCSXH, căn cứ danh sách các hộ nghèo đã ổn định cuộc sống ở Mường Lát do xã và bộ đội biên phòng cung cấp để cho vay vốn.

Nhung-ki-niem-khong-quen-(2)600

Tác giả (thứ hai từ trái qua) trong một buổi kiểm tra vốn vay tại cơ sở

Qua kiểm tra tại cơ sở, chúng tôi cũng nhận ra một thực tế là cán bộ NHCSXH không biết nói tiếng dân tộc nên đã hạn chế khả năng tiếp cận và giúp đỡ đồng bào dân tộc nghèo. Tôi còn nhớ ngay trong chuyến đi đó, Tổng giám đốc NHCSXH đã quyết định bổ sung cho NHCSXH huyện Mường Lát một chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng cán bộ người dân tộc Mông đưa đi đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn.

Sáu, năm 2003, từ những thông tin trong hoạt động quảng cáo của ngành du lịch, tôi được biết ở trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An còn có hàng trăm hộ dân nghèo thuộc tộc người Đan Lai chưa được vay vốn của NHCSXH. Tôi đã quyết định vào tận nơi để kiểm tra và bàn với anh em tìm cách giải quyết. Lần đầu tiên trong đời, tôi được đi trên chiếc thuyền gỗ bé nhỏ lạng lách giữa các triền đá lô nhô trên dòng sông Giăng mùa nước cạn. Chúng tôi vượt qua vô số thác ghềnh của dòng sông để vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát. Khoảng 2 giờ sau, chúng tôi đã có mặt ở bản Cò Phạt. Giám đốc NHCSXH huyện Con Cuông cho biết các hộ dân Đan Lai ở trong bản này không có nhu cầu vay vốn nên ngân hàng không thể cho vay được.

Chúng tôi tổ chức một cuộc gặp với dân bản Cò Phạt ngay tại nhà của Trưởng bản, có cả Chủ tịch UBND xã, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Môn Sơn và Đồn biên phòng 555 tham dự. Thật bất ngờ và cũng thật cảm động, cuộc gặp gỡ biến thành cuộc họp của dân bản Cò Phạt, mọi người sôi nổi bàn tính chuyện làm ăn và xin vay vốn của ngân hàng. Sau cuộc họp đó, UBND và Hội Phụ nữ xã Môn Sơn cùng Đồn biên phòng và NHCSXH huyện Con Cuông đã cử cán bộ vào vận động và giúp đỡ các hộ nghèo của 3 bản Cò Phạt, Khe Còn và Búng tổ chức lại sản xuất và vay vốn của ngân hàng. Và NHCSXH đã đến được với người nghèo Đan Lai trong rừng sâu Pù Mát.

Trong những năm tháng công tác của mình, tôi đã đặt chân tới hầu khắp những vùng đất nghèo khó trong cả nước. Từ những chuyến đi về cơ sở, từ những cuộc tiếp xúc với cán bộ địa phương và những người nghèo, tôi đã nhận ra rằng: Sự giàu có ở mỗi vùng miền có thể khác nhau, nhưng cái nghèo thì ở đâu cũng vậy: Chẳng có một thứ gì, nhà chẳng bao giờ phải khóa cửa. Và ở đâu cũng có người nghèo. Vùng đất Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nghèo nhưng không khó, còn vùng núi phía Bắc và vùng núi miền Trung vừa nghèo lại vừa khó. Những nơi gắn bó nhất với Cách mạng vẫn là những nơi nghèo nhất nước; những người sống ở đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Dân ta còn nghèo lắm, nhưng những số liệu thống kê hằng năm về số hộ thoát nghèo có thể cung cấp cái nhìn sai lệch về thực trạng nghèo đói của dân ta. Số hộ đó chỉ mới vượt qua được chuẩn nghèo do Nhà nước đặt ra trong từng thời kỳ kế hoạch, chứ chưa phải đã thoát khỏi cái nghèo. Chỉ một số rất ít trong số các hộ đó là thực sự thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.

Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng mỗi lần nhắc tới những người nghèo mà tôi đã gặp ở Huổi Lới (Điện Biên), Mường Tè (Lai Châu), Mèo Vạc (Hà Giang), Sốp Cộp (Sơn La), Mường Lát (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Trà My (Quảng Nam), Bác Ái (Ninh Thuận), Kon Plông (Kon Tum), Mỹ Tú (Sóc Trăng), Hồng Ngự (Đồng Tháp),… trong lòng tôi vẫn chưa hết băn khoăn, day dứt và tôi vẫn tự hỏi: Sinh ra cũng một kiếp người như mỗi chúng ta mà sao họ lại phải chịu nhiều điều bất hạnh và thiệt thòi đến thế!

Nguyễn Quốc Huy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác