Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên tỉnh Yên Bái

18/03/2013
(VBSP) Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo. Các nguồn vốn vay đặc biệt là vốn vay ưu đãi có ý nghĩa đặc biệt với thanh niên. Từ khi Đoàn Thanh niên triển khai công tác uỷ thác đến nay ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên làm giàu trên quê hương từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH.
600Untitled-1

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, anh Nguyễn Văn Thắng đã xây dựng cơ sở nuôi lợn hiệu quả kinh tế cao

Làm giàu từ vốn vay 

Một mùa xuân mới lại đến với các bản, làng của người Tày, người Thái, người Mông, người Dao… của vùng cao Yên Bái. Cây mận đầu thôn Đồng Hẻo của người dân tộc Mông ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cũng đã nở trắng gọi mùa xuân tới. Những chàng trai cô gái Mông xúng xính trong những bộ quần áo rực rỡ sắc màu. Ngôi nhà xây khang trang của anh Plua với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp là niềm mơ ước của nhiều người. Phát huy sức trẻ, anh đã biến mảnh đất quê hương nhiều sỏi đá thành nơi xây đắp ước mơ làm giàu. Vốn là Bí thư chi đoàn thôn Đồng Hẻo, khi Đoàn Thanh niên triển khai công tác vay vốn uỷ thác, anh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình. Đồng cỏ anh nuôi dê, nuôi trâu bò, nguồn nước suối ngọt lành anh nuôi ba ba. Tất cả đều từ những đồng vốn đầu tiên của NHCSXH nên hơn ai hết anh Plua hiểu ý nghĩa của vốn vay ưu đãi. 

Khác với anh Plua làm giàu trên mảnh đất vùng cao nhiều sỏi đá. Vùng thấp đất đai màu mỡ hơn nhưng đất ngày càng chật, người ngày càng đông, đồng ruộng ngày một ít, nhiều thanh niên rời quê đi làm ăn xa tại các thành phố lớn thì anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Y Can, huyện Trấn Yên lại chọn cách lập nghiệp ngay trên quê hương mình bắt đầu bằng việc chăn nuôi lợn. Sau nhiều năm gây dựng, giờ cơ sở chăn nuôi lợn của gia đình anh đã được quy hoạch thật quy mô, chuồng trại được chia ra thành từng ngăn, hệ thống Biogas, nước uống đầy đủ với 200 con lợn gồm cả nái, lợn thịt gồm nhiều giống lợn địa phương, lợn nạc và lợn rừng. Tất cả bắt đầu từ 30 triệu đồng vay NHCSXH năm 2008, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi 6 con lợn nái, anh cho biết: “Với số vốn đó, tôi nhận thấy chỉ có chăn nuôi là quay vòng vốn nhanh. Thanh niên quê tôi cũng như thanh niên nhiều địa phương khác đều hy vọng được vay vốn để phát triển kinh tế”. Từ những đồng vốn ưu đãi đó mà giờ chàng trai 30 tuổi ở đất Y Can đã trở thành ông chủ. Điều đó đủ thấy vốn vay có ý nghĩa như thế nào đối với thanh niên đặc biệt là thanh niên nông thôn. 

Mỗi vùng quê đều có những lợi thế khác nhau, có nhiều cách để bắt đất nhả vàng. “Lấy nhỏ nuôi lớn, lấy ngắn nuôi dài”, với nhiều thanh niên ở vùng quê nghèo của tỉnh Yên Bái dù chỉ vài triệu đồng vốn vay ban đầu cũng vô cùng ý nghĩa. Chỉ từ 10 triệu đồng vay của NHCSXH năm 2006, anh Hoàng Ngọc Luyện, xã Yên Bình, huyện Yên Bình đã bắt tay vào trồng 2ha keo. Sau 5 năm anh đã thu được 20 triệu đồng và có trong tay 5ha rừng. Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều thanh niên tỉnh Yên Bái mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ vốn vay của NHCSXH. 

Hiệu quả ban đầu và những vấn đề đặt ra 

Tính đến nay, NHCSXH đã thực hiện công tác cho vay ủy thác qua Đoàn Thanh niên tỉnh Yên Bái với dư nợ đạt 113,5 tỷ đồng, gồm 240 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 7.905 hộ vay. Từ nguồn vốn này đã có hàng trăm ha rừng được trồng, hàng trăm cơ sở chăn nuôi được xây dựng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn bạn trẻ. Từ chính bản thân những thanh niên được vay vốn cũng như các cơ sở đoàn cho thấy, thanh niên được vay vốn có nhiều cái được. Cái được đầu tiên là kinh tế gia đình phát triển, tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Thứ hai, tổ chức đoàn có thêm kinh phí hoạt động nhờ tiền phí uỷ thác từ NHCSXH. Thứ ba, kinh tế của đoàn viên phát triển sẽ góp phần xây dựng cơ sở đoàn vững mạnh, tập hợp thêm nhiều thanh niên vào tham gia sinh hoạt tổ chức đoàn. Đoàn viên thanh niên hiện nay được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh khác nhau như: Cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay đồng bào dân tộc thiểu số… 

Tuy nhiên, nếu so sánh con số 113,5 tỷ đồng dư nợ của Đoàn Thanh niên với 588 tỷ đồng của Hội Phụ nữ, 216 tỷ đồng của Hội Cựu chiến binh và 393 tỷ đồng của Hội Nông dân thì thấy con số đó thật khiêm tốn. Nhiều thanh nhiên vẫn còn “khát” vốn làm giàu, không ít địa phương cho đến nay “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý. Nguyên nhân là do đoàn “vào cuộc” muộn hơn so với các tổ chức hội, đoàn thể khác, trong khi các hội, đoàn thể khác đã làm công tác cho vay uỷ thác từ NHPVNNg, tiền thân của NHCSXH. Ngoài ra, thanh niên, đặc biệt đối với thanh niên còn độc thân, không có người bảo lãnh nên khó được vay vốn. Nhiều thanh niên sống chung với gia đình và trong gia đình chỉ một người được vay vốn, người vay thường là bố, mẹ đồng thời cũng là chủ gia đình, ngân hàng cho vay để thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo cho một hộ gia đình chứ không riêng cá nhân nào. Hơn nữa, do đặc thù giai đoạn tuổi trẻ của thanh niên, nếu là những người có kinh nghiệm sống sẽ dễ dàng đối mặt với rủi ro, với tuổi trẻ điều đó lại không hề dễ chút nào, gặp thất bại nhiều bạn trẻ sẽ nản và nợ của ngân hàng cũng khó trả. Vì vậy, Đoàn Thanh niên chưa tạo được lòng tin của chính quyền địa phương để giao vốn cho thanh niên quản lý. 

Giải quyết vấn đề này, Đoàn Thanh niên cần phát huy nội lực và bản thân thanh niên cần mạnh dạn và táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế. Đồng thời, các tổ chức đoàn cần định hướng cho đoàn viên phát triển những mô hình phù hợp với năng lực, điều kiện và nhu cầu thị trường. Để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, ngoài sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương và của NHCSXH, mỗi thanh niên cũng như tổ chức đoàn cần cố gắng, phát huy trí tuệ, sức trẻ để xây dựng các mô hình kinh tế, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả và thể hiện vai trò xung kích của thanh niên trên mặt trận phát triển kinh tế.

 

Hồng Khanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác