Thành công nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm

20/03/2013
(VBSP) Xác định việc sản xuất tiểu thủ công nghiệp - làng nghề là khâu mũi nhọn trong giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới, UBND xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo nghề cho con em địa phương, vận động nhân dân thực hiện các phương thức chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp mạnh dạn vay vốn, sử dụng các nguồn vốn, trong đó coi trọng vốn vay của NHCSXH để giải quyết việc làm, đầu tư khôi phục, mở mang ngành nghề.
600aUntitled-1

Lao động làm việc tại xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của chị Đỗ Thị Thành

Cùng với Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã về thăm làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân vào một ngày đầu xuân. Giữa không khí lao động nhộn nhịp của tiếng máy cưa, cắt, mài đá, chị Đỗ Thị Thành có dáng vẻ nhanh nhẹn đã không giấu nổi niềm vui khi giới thiệu với khách tham quan về những sản phẩm và cuộc sống đang ấm no, tươi vui dần của 46 lao động tại doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Thuận Trường. Là người dân gốc ở xóm đồng quê xã Ninh Vân, chị Thành trước đây chỉ biết mỗi nghề làm ruộng. Mỗi năm, thu được vài ba tạ lúa không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Những lúc nông nhàn chị chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Vốn có sở thích ham học hỏi, lại sinh sống ở nơi có nghề thủ công truyền thống chế tác đá mỹ nghệ, nên ngay sau khi xã liên kết với trường Cao đẳng nghề tỉnh Nam Định mở lớp dạy nghề chế tác đá mỹ nghệ, chị đã tham gia học tập và tiếp thu nghề rất nhanh. Học nghề xong chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng của NHCSXH cùng với số vốn ít ỏi của gia đình mở xưởng sản xuất một số loại sản phẩm thông thường bằng đá như: Tường rào, cột nhà, bia lưu niệm. Tiếp đó, chị còn phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân vận động một số chị em tham gia lớp học nghề chế tác đá mỹ nghệ vào làm tại xưởng của chị.

Nhờ biết tổ chức sản xuất và cung cách sử dụng lao động, đến năm 2010, cơ sở tiểu thủ công nghiệp của chị Thành làm ăn phát đạt, trả hết nợ vay ngân hàng và phát triển thành doanh nghiệp tư nhân chế tác đá mỹ nghệ do chị làm chủ. Cũng trong dịp này, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết 04 chuyên đề về phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong khu vực nông thôn và NHCSXH tỉnh đã giúp đỡ cho Doanh nghiệp tư nhân Thuận Trường do chị Thành làm Giám đốc vay 500 triệu đồng thuộc chương trình quốc gia giải quyết việc làm để mua sắm nguyên liệu, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất đá mỹ nghệ xuất khẩu.

Thực tế từ khi có “đòn bẩy” đó, các sản phẩm của làng nghề Ninh Vân nói chung và doanh nghiệp tư nhân đá mỹ nghệ Thuận Trường nói riêng đã tăng số lượng, chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng. Tính đến hết năm 2012, doanh thu của Thuận Trường đạt 18 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2011, tạo việc làm thường xuyên cho 46 hộ lao động tại chỗ với mức lương bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng; trong đó có 10 thợ kỹ thuật cao có thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc Đỗ Thị Thành được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề xã Ninh Vân.

Ngay tại phân xưởng hoàn thiện các sản phẩm đá mỹ nghệ, chị Thành niềm nở nói với chúng tôi: “Vào những ngày này, tôi có được niềm vui nhân đôi, đó là bàn giao chức Giám đốc doanh nghiệp cho cậu con trai là Lê Viết Thanh, 30 tuổi để tập trung chăm lo công tác của hiệp hội, đoàn thể bởi tôi rất tin tưởng lớp trẻ có sức khỏe, có năng lực, ý chí vươn lên. Song song với đó là doanh nghiệp Thuận Trường vừa được NHCSXH tỉnh Ninh Bình giúp đỡ, gia hạn nợ 500 triệu đồng thêm một năm để dồn sức sản xuất 2 lô hàng đã mỹ nghệ để xuất khẩu”.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Ninh Bình nhận xét: Hiện tại đã có 50/72 thành viên của hiệp hội làng nghề xã Ninh Vân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi như doanh nghiệp đá mỹ nghệ Thuận Trường vay đến 500 triệu đồng, 6 tổ hợp tác được vay từ 100 - 300 triệu đồng, còn lại thấp nhất là 30 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm. Việc sử dụng vốn ưu đãi để khôi phục, mở mang ngành nghề truyền thống nhằm mục đích giảm nghèo, làm giàu và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã phản ánh sự nỗ lực cả người lao động ở làng nghề và tác động tích cực của NHCSXH từ tỉnh đến huyện theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về công tác đẩy mạnh đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Trần Đinh Hợi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác