Nên cơ nghiệp từ món vay nhỏ
Nông dân năng động hơn
Gia đình anh Nguyễn Đình Cường, thôn Ba Thượng, xã Yên Minh, huyện Ý Yên là hộ nghèo. Qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND, năm 2004, gia đình anh được NHCSXH huyện cho vay 4 triệu đồng. Số tiền này, anh đầu tư nuôi vài chục con gà. Thấy có thể phát triển nuôi gà, lại đúng lúc NHCSXH thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo, anh Cường làm đơn xin được tiếp tục vay vốn. Năm 2011, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, anh đầu tư xây chuồng trại và nuôi hơn 150 con gà, 20 con lợn thịt và gần 40 con vịt đẻ để tận dụng hơn 1.000m2 mặt nước của ao nuôi cá. “Giờ đây, mỗi năm trang trại của gia đình tôi thu lãi 40-50 triệu đồng. Năm 2013, gia đình tôi không còn tên trong danh sách hộ nghèo nữa” - anh Cường khoe.
Cùng thôn với anh Cường, gia đình chị Nguyễn Thị Lai cũng mới được công nhận thoát nghèo sau 5 năm được NHCSXH cho vay vốn để làm ăn. Dư nợ hiện nay của gia đình là 10 triệu đồng. Số tiền này, chị mua 1 con bò mẹ và dựng chuồng nuôi. Bò mẹ của gia đình chị mỗi năm đẻ một lứa, thu lãi gần chục triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2011 gia đình chị mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Chị Lai chia sẻ: “Cả nhà chỉ mong mỗi năm bò đẻ đều 1 lứa, cửa hàng vật liệu xây dựng luôn đắt khách để sau khi trả hết nợ cho ngân hàng còn có một món tiền làm vốn”.
Gia sản lớn từ món vay nhỏ
“Nhờ đồng vốn vay NHCSXH, giờ đây mỗi năm trang trại chăn nuôi của gia đình tôi thu lãi 40 - 50 triệu đồng. Năm 2013, gia đình tôi đã không còn tên trong danh sách hộ nghèo”. Anh Nguyễn Đình Cường. |
Đến xã Yên Ninh, hỏi ai cũng biết ông Ninh Xuân Chiến với gia sản hàng tỷ đồng nhờ sản xuất kinh doanh đồ gỗ cao cấp. Các mặt hàng chủ yếu là bàn ghế, giường, sập, tủ… cung cấp cho hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Theo ông Chiến: “Gia đình tôi đã có cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp từ năm 1994. Năm 2010, gia đình ông được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng theo chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Có tiền, tôi mua thêm nguyên liệu, máy móc, thuê thêm lao động theo thời vụ, thành lập Công ty Sản xuất đồ gỗ cao cấp Chiến Loan. Năm 2012, doanh thu của công ty đạt gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 400 - 500 triệu đồng”.
Kết hôn năm 2008, gia đình anh Luyến - chị Lan ở thôn Ninh Xá, xã Yên Ninh quyết tâm làm giàu từ nghề làm đồ gỗ truyền thống. Thời gian đầu mới lấy nhau, vốn liếng của hai vợ chồng chỉ có 4 triệu đồng, vì vậy mọi công đoạn để làm ra những chiếc sập gỗ đều do anh chị tự tay đảm nhận. “Năm 2010, được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng Chương trình giải quyết việc làm, tôi thuê thêm 6 lao động và mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, nghề làm đồ gỗ của gia đình đã phát triển thành Cơ sở sản xuất đồ gỗ Lan - Luyến với doanh thu đạt 200 triệu đồng/tháng, trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng” - anh Luyến chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Ý Yên cho biết: “Năm 2012, ngân hàng đã thực hiện 7 chương trình tín dụng ưu đãi là: Vay vốn hộ nghèo, học sinh - sinh viên, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, vay làm nhà ở, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng dư nợ là 306,908 tỷ đồng”.
Mai Liên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội ở Nghệ An
- » Thành công nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm
- » Nước sạch về tận nhà
- » “Bóng hồng” một lòng với sự nghiệp xóa nghèo
- » Làm giàu giữa rừng
- » Tấm gương tâm huyết & năng động
- » Chị Phạm Thị Hằng Nga: Phát huy tốt vai trò nhận ủy thác vốn
- » Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên tỉnh Yên Bái
- » Minh Long có trên 5 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn
- » Tổng giám đốc làm việc với chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông