Xứng danh được dân bản tin yêu

21/03/2013
(VBSP) Những ngày này, con đường lên miền núi, biên cương Tây Bắc như một dải lụa uốn lượn chạy giữa màn sương mù dày đặc cùng những đèo dốc quanh co, chúng tôi đến NHCSXH huyện Than Uyên (Lai Châu), nhắc đến tên Tổ trưởng Tổ tín dụng Hoàng Văn Thái, nhiều bà con dân tộc Thái, Mông... đều biết và đưa đến tận nơi để gặp người cán bộ mà họ luôn yêu mến.
Untitled-1

Hoàng Văn Thái (người cầm sổ) tham gia buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn

Sinh năm 1980, quê biển lúa Nam Định, là cử nhân kinh tế nông nghiệp, nhưng Hoàng Văn Thái lại bén duyên ngành ngân hàng. Tốt nghiệp Đại học nông lâm Thái Nguyên, Thái đầu quân vào mặt trận xóa đói, giảm nghèo và cuối năm 2004, anh được NHCSXH tiếp nhận, điều động về làm nhân viên tín dụng tại NHCSXH huyện Than Uyên, một trong những huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.  Là “người lính” trẻ đầy nhiệt huyết, Hoàng Văn Thái bắt nhịp khá nhanh với nghiệp vụ ngân hàng, từ năm 2009 trở lại đây, luôn hoàn thành nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ tín dụng. Hơn 8 năm đeo huy hiệu “trái tim hình búp sen hồng” trên ngực áo, với Thái và đồng nghiệp thì “ngân hàng là nhà, miền núi là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”, cho nên việc gần dân, giúp dân vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người cán bộ NHCSXH nơi đây. Trong cái rét đầu xuân của miền sơn thẳm, chúng tôi được nghe câu chuyện về dự án đầu tư vốn ưu đãi để xóa nghèo và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở bản Hua Phăn do Hội Nông dân xã Mường Then chủ động xây dựng, thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của NHCSXH huyện Than Uyên, mà trong đó Hoàng Văn Thái và 3 chàng trai, cô gái ở Tổ tín dụng đảm nhiệm trực tiếp việc giải ngân; dự án đã đưa cuộc sống đồng bào dân tộc Mông bước sang trang mới. 

Là một trong 18 thôn, bản của xã Mường Then, Hua Phăn có 100% người Mông sinh sống từ bao đời chỉ quen những tập quán lạc hậu như đốt phá rừng làm nương rẫy, du canh du cư; cùng với đó là việc thiếu vốn, thiếu cả kiến thức sản xuất, thế nên đói nghèo cứ đem bám mãi lấy họ. Sống với đồng bào dân tộc bao năm, thực trạng đó đã trở thành nỗi trăn trở của cán bộ nhân viên NHCSXH. Ý tưởng vận động người Mông ở bản Hua Phăn “hạ sơn” định cư, rồi động viên hướng dẫn bà con cách vay vốn, sử dụng vốn vay để định canh theo những phương thức làm ăn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được thể hiện bằng các biện pháp cụ thể trong dự án đầu tư vốn ưu đãi ở một vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Và không ai khác, chính Hoàng Văn Thái và đồng nghiệp trẻ trong Tổ tín dụng lưu động được Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Thọ Hưng và Chủ tịch Hội Nông dân xã Lô Văn Dương tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách phần vốn của dự án cùng đồng bào Mông xóa nghèo, phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi. 

Hoàng Văn Thái cùng anh chị em trong Tổ tín dụng lưu động nhận nhiệm vụ trong tinh thần hăng hái nhưng trước mắt khó khăn chồng chất khó khăn. Đường lên bản thì xa xôi, gập ghềnh, trình độ hiểu biết của đồng bào thì hạn chế, thậm chí họ còn có tâm lý ngại vay mượn, kể cả vay vốn ưu đãi của Nhà nước hoặc vay được rồi thì không biết để làm gì đây cũng như sau này không biết lấy gì để trả nợ? Thế nhưng, anh và đồng nghiệp đã không nản chí, quyết tâm bắt tay vào công việc với tinh thần của người cán bộ làm công tác tín dụng chính sách luôn luôn gần dân và đồng hành với hộ nghèo, với đồng bào dân tộc thiểu số. 

“Những ngày đó, anh em chúng tôi tất bật như con thoi. Ngày xuống xã, lên bản, kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể để thuyết phục, khuyến khích đồng bào dân tộc Mông để họ tự giác, mạnh dạn tiếp cận, điền những nét bút đầu tiên vào tờ đơn xin vay vốn. Tối về còn tranh thủ họp bàn với Tổ tiết kiệm và vay vốn tìm cách hướng dẫn bà con cách thức sử dụng vốn vay sao cho hợp lý, đạt kết quả… Tuy rất mệt nhưng lại vui”, Thái tâm sự: “Thực hiện dự án, tôi đã xin ý kiến Giám đốc, bàn với anh em đồng nghiệp tổ chức chuyển tải kịp thời hàng trăm triệu đồng vốn của chương trình cho vay hộ nghèo đến từng gia đình người Mông vừa xuống núi định cư để trồng lúa nước, nuôi bò sinh sản”. Ngày nay, đồng bào nơi đây vẫn nhớ như in hình ảnh cán bộ NHCSXH huyện, trong đó có Hoàng Văn Thái vất vả vượt đèo cao, lội bộ qua khe suối để đem tiền đến tận Điểm giao dịch tại xã cho dân vay. 

Từ khi xuống núi định cư, được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của dự án, kể cả nguồn vốn bổ sung của chương trình 30a và vốn vay không tính lãi theo quyết định của Chính phủ cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, 41 hộ người Mông ở bản Hua Phăn đã yên tâm định canh, lựa thế núi đồi, làm thủy lợi dẫn nước về nguồn khai thác mở rộng diện tích cấy lúa nước. Hiện tại, người Mông ở bản Hua Phăn đã dùng vốn ưu đãi trồng lúa nước có năng suất cao trên diện tích 180ha đất nông nghiệp nên đủ gạo ăn hằng tháng. Mỗi năm bản sản xuất thêm 100 tấn ngô, phần lớn xuất bán cho nhà máy chế biến lương thực của tỉnh, còn một phần để lại nuôi lợn, nuôi bò sinh sản. 

Vốn ưu đãi của NHCSXH qua dự án cùng 7 chương trình tín dụng ưu đãi khác đã đến tận bản Hua Phăn xa xôi trong 10 năm qua lên tới hơn một tỷ đồng, giúp bà con dân tộc Mông mua các loại giống cây trồng có năng suất cao cùng vật tư, phân bón, thuốc thú y đầu tư cho sản xuất. Một số gia đình như Vàng A Dũng, Đèo Thị Lựng, Vàng Thuẩy đã có lần định khăn gói bỏ núi rừng Tây Bắc đi tha phương vào Tây Nguyên làm ăn, nhưng nghe lời khuyên bảo, hướng dẫn của chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và anh cán bộ tín dụng Hoàng Văn Thái đã ở lại vay vốn ưu đãi, đắp bờ ngăn thửa chống xói mòn rửa trôi, cấy lúa nước, trồng đỗ tương trên đồi. Việc làm đó không những làm cho đất đai màu mỡ dần mà còn làm cho ruộng đồng bội thu, đời sống người dân cũng ổn định dần theo năm tháng. Điển hình còn có hộ nhà anh Vàng A Chuyển, 30 tuổi nhờ biết cách sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH vào chăn nuôi lợn nái và đã thoát nghèo, được xứng danh trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. 

Đứng trước cảnh ruộng đồng, đồi nương xanh tươi các loại cây trồng, Chủ tịch UBND xã Mường Then Lê Văn Chất phấn khởi nói với chúng tôi: “Nhờ có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ mà dự án xóa nghèo, phát triển sản xuất ở bản Hua Phăn do Hội Nông dân triển khai thực hiện đã đạt kết quả to lớn, mở ra một trang mới cho đồng bào Mông. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 giảm được 4,8% đối với vùng xuôi chưa phải là lớn nhưng ở vùng cao này là một điều kỳ diệu. Chúng tôi rất cảm ơn sự cố gắng rất có ý nghĩa của tập thể cán bộ và nhân viên NHCSXH huyện Than Uyên”. 

Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu Lê Xuân Hùng cho biết: “Cùng với các cán bộ trẻ khác, Hoàng Văn Thái không chỉ là niềm tự hào của chi nhánh NHCSXH tỉnh mà đồng bào nơi miền biên cương này ai ai cũng quý mến và cảm phục, vì họ đã trực tiếp đồng hành cùng người dân trong công tác xóa nghèo”. 

Minh Uyên Khanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác