Huyện nghèo xuất khẩu lao động không đạt mục tiêu?

25/03/2013
(VBSP) Xuất khẩu lao động được coi là “chìa khóa” để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở các huyện nghèo. Tuy vậy, sau 3 năm triển khai một chính sách khởi đầu với những mục tiêu được đánh giá là “tốt, hợp lòng dân” lại có một kết quả không như mong đợi - nếu không muốn nói là èo uột.
Untitled-1

Lao động xuất khẩu lên đường sang Malaysia

Ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 (Đề án 71)”. Với tổng kinh phí 4.715 tỷ đồng, trong đó: phần vốn hỗ trợ người lao động là 1.542 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi là 3.173 tỷ đồng. Theo đề án, người dân được vay 100% vốn không lãi suất và được hỗ trợ phí đào tạo, đi lại và ăn ở. 

Khi phê duyệt Đề án 71, Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa thí điểm 10 nghìn lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (giai đoạn 2009 - 2010); 50 nghìn người (bình quân 10 nghìn người/năm trong giai đoạn 2011 - 2015), tăng lên 15% trong giai đoạn 2016 - 2020 (so với giai đoạn 2011 - 2015). Tuy vậy, báo cáo sơ kết của Cục quản lý lao động ngoài nước, sau 3 năm thực hiện đề án (tính đến năm 2012) cho thấy chỉ đưa được 7.500 lao động của 56/62 huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài. 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội: Việc xuất khẩu lao động ở 62 huyện nghèo không đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Trước hết, đối tượng mà đề án 71 hướng đến hầu như là đối tượng nghèo của các xã 135 (trong 62 huyện nghèo), trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán, tác phong lao động chưa tiếp cận được với môi trường công nghiệp ngay cả trong nước, chưa nói đến môi trường ngoài nước. Đặc biệt, người dân tộc thiểu số có truyền thống gắn bó với quê hương, bản làng, luôn mang tâm lý không muốn đi xa làm ăn, nên nhiều trường hợp sang đến nước ngoài một thời gian lại bỏ về; nhiều người đã tập trung học định hướng trong nước, nhưng đến ngày lên đường lại kiên quyết không đi. 

Nhiều doanh nghiệp tham gia đề án nhưng năng lực không đồng đều, có cả doanh nghiệp không đủ năng lực. Trước khi Đề án 71 ra đời, cơ quan chức năng có phần buông lỏng công tác quản lý, nhiều công ty lấy danh nghĩa tuyển lao động nhưng thực chất là các công ty “ma”, chuyên lừa đảo khiến người lao động “tiền mất, tật mang”. 

Tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện nghèo, trong đó: Sơn Hà là huyện được đánh giá năng động nhất trong việc triển khai đưa người lao động nghèo đi xuất khẩu lao động. Phần lớn gửi tiền về giúp gia đình thoát nghèo. Tuy vậy, đến nay có tới 68/350 lao động ở Malaysia về nước trước thời hạn vì nhiều lý do, chủ yếu là lý do sức khỏe và thu nhập không ổn định. Hầu hết họ không thể trả được nợ vay NHCSXH. Gần với Quảng Ngãi, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trong 2 năm 2011 - 2012 có 63 lao động đi Malaysia làm việc theo Đề án 71, bị trục xuất về nước trước thời hạn, với nhiều nguyên nhân (vi phạm kỷ luật, sức khỏe không đáp ứng) nhưng nhiều nhất là do nhà máy phá sản, không đảm bảo công việc. Hầu hết số lao động này đang nợ NHCSXH từ 20 - 30 triệu đồng, không ai đủ khả năng trả nợ. Các công ty có số lao động bị trục xuất về nước “buông xuôi”, “bỏ của chạy lấy người”, chính quyền địa phương thì bất lực với món nợ ngân hàng (!?) 

Trước những thực tế vừa nêu, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết: trong năm 2013, để thúc đẩy xuất khẩu lao động tại 62 huyện nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó: sẽ lựa chọn kỹ và công khai tên doanh nghiệp được phép đưa người đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, sẽ chú trọng hơn tới công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động một cách kỹ lưỡng để người lao động làm việc với công ty nước ngoài tự tin hơn. Về phía người lao động, cũng cần nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm khi sang nước ngoài làm việc, cần hiểu rõ nội quy công ty, pháp luật nước sở tại, xóa bỏ lối sống buông thả, thiếu tổ chức kỹ luật. 

Để xuất khẩu lao động thực sự trở thành “chìa khóa” giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở các huyện nghèo, cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cũng như người lao động. Đặc biệt, đối với các địa phương cần nhận rõ đây là trách nhiệm, là cơ hội cần tạo điều kiện cho người lao động nghèo đi xuất khẩu lao động để họ có tiền trả nợ ngân hàng, có “chìa khóa” xóa nghèo bền vững. 

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác