Tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai

25/03/2013
(VBSP) Qua 10 năm hoạt động (2003 - 2012), chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi khó khăn cho cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập NHCSXH, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

 Untitled-1600c

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò và những đóng góp của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua?  

Trả lời: Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sau khi tái lập tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, chủ yếu nằm trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng cao.

Với vai trò tiên phong, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với đồng bào dân tộc thiểu số, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã góp phần đáng kể vào tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình, tạo chuyển biến rõ rệt, làm tăng chủng loại, số lượng tài sản của các thành viên vay vốn. Nhiều hộ biết kết hợp nguồn vốn tín dụng của NHCSXH với các nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước, của các tổ chức xã hội đã thoát khỏi đói nghèo, bước đầu vươn lên làm giàu chính đáng. Từ sản xuất đơn thuần dựa vào trồng trọt, đồng bào đã biết áp dụng sản xuất kết hợp với chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng, dịch vụ (VACRD).  

Untitled-1600a

Nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa của tỉnh Lào Cai đã thoát nghèo bền vững, khá giàu từ vốn vay ưu đãi

Việc vay vốn kết hợp với truyền thông giáo dục sức khoẻ đã có tác dụng to lớn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi đối với những người vay vốn tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được trang bị các nội dung cơ bản về sản xuất nông nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm giúp người dân cách thức sản xuất mới, mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng đồng vốn vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó tăng tính tự tin với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng khác và tăng khả năng sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả, vượt qua được những định kiến của cộng đồng và của chính gia đình trong việc phát triển kinh tế.

Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, khi được tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, người phụ nữ có cơ hội vượt qua các rào cản về tập quán, thói quen lạc hậu của gia đình, của cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, chị em mạnh dạn tham gia thảo luận, trao đổi, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và phát triển sản xuất. Hoạt động tín dụng còn góp phần quan trọng và nâng cao dân trí, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ bền vững ở các xã đặc biệt khó khăn; góp phần tích cực đối với việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là thực hiện các nhiệm vụ công tác của các tổ chức hội, đoàn thể.  

Untitled-1600b

 Phóng viên: Với cương vị là lãnh đạo điều hành cao nhất của tỉnh Lào Cai, ông có khuyến nghị gì với NHCSXH để đồng vốn tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả đóng góp mạnh mẽ vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới?

Trả lời: Đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng so với

năm 2002, tốc độ tăng 10,6 lần, bình quân tăng 27,4%/năm. Kết quả tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách do Chính phủ ban hành và địa phương ủy thác đạt doanh số hơn 3.000 tỷ đồng, bình quân trên 300 tỷ đồng/năm. 

Tổng doanh số thu n: 1.500 tỷ đồng, bình quân đạt 160 tỷ đồng/năm; Tổng d­ư n đến 31/12/2012 là trên: 1.700 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt  23,7%/năm. Nợ quá hạn giảm từ 8% (2007) xuống còn 0,26%  

Tăng trưởng vốn tín dụng chính sách 10 năm qua được Đảng bộ, chính quyền các cấp ghi nhận và đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách phấn khởi. Chủ trương, chính sách này hợp với ý Đảng, lòng dân, đã tập trung kênh tín dụng chính sách vào một đầu mối, phục vụ có hiệu quả hơn chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.

Kênh tín dụng chính sách có tác dụng như một đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, kích thích hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên, làm quen dần với nền sản xuất hàng hóa, tạo nguồn thu cải thiện đời sống gia đình để xóa đói, giảm nghèo. Kênh tín dụng chính sách cũng đồng thời có tác dụng góp phần tích cực chống tệ cho vay nặng lãi trong xã hội, nhất là ở các vùng nghèo.

Củng cố và tăng cường hơn nữa sự phối hợp gắn kết chương trình tín dụng ưu đãi với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hướng dẫn cách làm ăn cho hộ theo hướng xóa đói, giảm nghèo bền vững với mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa; có chính sách khuyến khích tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ NHCSXH.

Trong những năm tới, phấn đấu tăng trưởng dư nợ mỗi năm khoảng 18%, góp phần cùng địa phương giảm bình quân mỗi năm 3 - 4% hộ nghèo; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, chống tham nhũng, lãng phí, giảm chi phí quản lý để tiết kiệm chi cấp bù của ngân sách Nhà nước.

Ngoài nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động từ các Bộ, ngành Trung ương, vốn tổ chức nước ngoài, NHCSXH cần có cơ chế tạo nguồn ổn định, kể cả việc mở rộng đối tượng các tổ chức tín dụng tham gia gửi 2% tiền gửi huy động hàng năm vào NHCSXH theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP. Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tiền gửi tại NHCSXH để thực hiện kế hoạch cho vay hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Công tác xóa đói, giảm nghèo hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc không thể tách rời hoạt động tín dụng của NHCSXH. Trong thời gian tới, để đồng bào nghèo được tiếp cận nhiều hơn nữa với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, NHCSXH cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực, trách nhiệm của NHCSXH cùng với quyết tâm, nỗ lực của đồng bào, chắc chắn công cuộc xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc miền núi sẽ thành công tốt đẹp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lục Văn Toán - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác