Cầu nối giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo
Năm 2007, đoàn viên Lại Đức Thành, tổ dân phố 3, thị trấn Mường Ảng vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng cà phê. Với sức trẻ, lại có ý chí thoát nghèo, nên từ mô hình trồng cà phê nhỏ đến nay anh Lại Đức Thành đã mở rộng diện tích lên 5ha. Đồng thời, anh Thành đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp; xây hầm chứa biogas để phục vụ sinh hoạt và lấy chất thải trồng cà phê. Từ mô hình cà phê, chăn nuôi không chỉ giúp anh Thành thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 50 - 60 đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Mỗi năm tổng thu nhập của gia đình anh trên 500 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất anh thu về trên 100 triệu đồng.
Anh Lù Văn Cường, bản Ho Luông 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh em. Được tổ chức đoàn đứng ra tín chấp qua NHCSXH thị xã Mường Lay, anh Cường vay số tiền 8 triệu đồng, đầu tư mô hình chuồng trại chăn nuôi theo hướng VAC. Từ mô hình này, mỗi năm anh Cường có thu nhập 50 - 60 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo mà anh Cường còn nuôi 2 em học đại học. Không những làm giàu cho mình, anh Cường còn truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn học tập và làm theo. Anh cho rằng: Mình đi trước, đã đúc rút được kinh nghiệm trong sản xuất, nên hướng dẫn cho đoàn viên thanh niên áp dụng, sẽ tránh đi phần nào rủi ro trong chăn nuôi, từ đó, đoàn viên thanh niên có thêm động lực để thoát nghèo.
Anh Mai Đình Thơ, Trưởng Ban thanh niên nông thôn, Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết: Qua nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH tỉnh, tính đến hết năm 2012, đã giải ngân với tổng dư nợ 265 tỷ đồng, giải quyết vốn vay phát triển kinh tế. Sau khi tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên vay vốn, Đoàn các cấp thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, kiểm tra sử dụng nguồn vốn, nhằm xử lý phát hiện những hộ sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Từ nguồn vốn này, trong thời gian qua đã có nhiều đoàn viên thanh niên phát huy tốt hiệu quả như: đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại quy mô. Không chỉ là cầu nối giúp đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, mà trong những năm qua, các cấp Đoàn đã phối hợp với các Trạm Khuyến nông mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình cây con chất lượng cao đưa vào sản xuất; phương pháp thâm canh lúa, ngô; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng hàng hóa. Ngoài các lớp tập huấn Đoàn còn phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện nhiều mô hình trình diễn sản xuất, chăn nuôi.
Hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên cũng được các cấp Đoàn quan tâm thực hiện. Hàng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Lao động Thương binh - Xã hội triển khai thực hiện Đề án hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn tỉnh đã có gần 8.000 đoàn viên thanh niên được tào nghề ngắn hạn và dài hạn tại Trung tâm Dạy nghề tỉnh và liên kết với các trường tại Hà Nội đào tạo nghề dài hạn. Các ngành nghề đào tạo như: điện dân dụng, sửa chữa xe máy, may mặc… Từ đó, không chỉ giúp họ có kiến thức, có việc làm để thoát nghèo, mà còn nâng cao trình độ kiến thức và sự nhanh nhạy trong cơ chế thị trường.
Thành Đạt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những người “gánh” vốn lên non
- » Phát triển hàng thủ công xuất khẩu
- » Tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- » Hãy cho người nghèo điểm tựa
- » Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên - cầu nối của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên
- » Huyện nghèo xuất khẩu lao động không đạt mục tiêu?
- » Hà Tĩnh: Tín dụng ưu đãi góp sức giảm nghèo
- » Xứng danh được dân bản tin yêu
- » Nên cơ nghiệp từ món vay nhỏ
- » Tín dụng chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội ở Nghệ An