Những người “gánh” vốn lên non

26/03/2013
(VBSP) “Chúng tôi đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về chương trình tín dụng chính sách vào trong các cuộc họp. Cũng phải nhẹ nhàng, thuyết phục bà con để họ hiểu rõ đây không phải là tiền cho không, mà Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất để bà con vay mà vươn lên...” - ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2b, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk tâm sự.
Untitled-1

Nhiều năm liền, Tổ tiết kiệm và vay vốn do Tổ trưởng Nguyễn Đế Thuấn phụ trách không có nợ xấu

Ít ai có thể tin rằng, chỉ cách đây mấy năm, vùng đất Ea H’leo được xem là khô cằn sỏi đá, xa xôi nhất của tỉnh Đắk Lắk này còn vô cùng hoang vắng và nghèo xác xơ, vậy mà giờ đây Ea H’leo hoàn toàn đổi khác với hình ảnh một vùng nông thôn mới giàu có.

Vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Mậu An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã nở nụ cười tươi rói khoe: “Toàn xã được NHCSXH cho vay hơn 11 tỷ đồng với nhiều chương trình khác nhau, trong đó: đặc biệt là chương trình cho vay hộ nghèo. Ở đây bà con nông dân biết ơn chương trình này lắm…”. Từ điểm tựa đồng vốn chính sách, nhiều hộ nông dân nghèo đã tự tin nỗ lực vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Trong kết quả đó, không thể không nhắc tới vai trò của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn - những người đóng vai trò tích cực trong các khâu của quy trình cho vay vốn tín dụng chính sách. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là những người gần dân, sát dân, am hiểu tường tận tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của từng tổ viên. Họ là người đề xuất, lập danh sách, vận động, thu tiền lãi… của các tổ viên, và họ cũng là người đồng hành của các tổ viên trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách.

Ở thôn 2b, xã Ea H’leo, nhiều năm qua có một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn mà những nông dân ở đây vô cùng quý mến, đó là ông Nguyễn Văn Hòa. Tổ tiết kiệm và vay vốn của ông có dư nợ gần như lớn nhất toàn xã với gần 1 tỷ đồng cho trên 70 hộ được vay. Những hộ vay trong tổ đều rất chí thú làm ăn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích và đã đem lại hiệu quả rất cao.

“Chúng tôi căn cứ vào hoàn cảnh của từng hộ vay để nghe họ nói về mục đích và cách thức thực hiện làm ăn sau khi được vay vốn, từ đó mới đưa lên để cân nhắc, bình xét công khai, chính xác nhất. Trong hai tháng đầu tiên sau khi nhận vốn, chúng tôi có theo dõi bà con đầu tư làm ăn ra sao, nếu họ đi chệch hướng thì chúng tôi vào cuộc hướng dẫn bà con từ khâu trồng đến khâu chăm sóc, bảo quản sản phẩm như thế nào để đem lại hiệu quả tốt nhất. Chúng tôi cũng thường xuyên mời bà con tham dự các lớp tập huấn về cách thức làm ăn, kỹ thuật trong chăn nuôi sản xuất để bà con học hỏi kinh nghiệm… Để bà con có ý thức trong việc trả nợ gốc và lãi, chúng tôi đã lồng ghép nhiều cuộc tuyên tuyền trong các cuộc họp. Mình phải nhẹ nhàng, thuyết phục bà con để họ hiểu rõ đây không phải là tiền cho không, mà Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất để bà con vay mà vươn lên. Từ đó bà con rất có ý thức trong việc trả nợ đúng hạn, thậm chí nhiều người còn tới tận nhà nộp trước tiền lãi cho Tổ trưởng…” - ông Hòa nói.

Thật vui vì những Tổ trưởng như ông Hòa trong xã này không phải là hiếm. Ông Nguyên Đế Thuấn - Tổ trưởng tổ 6, ông Nhuyễn Xuân Đạm - Tổ trưởng tổ 8… là những Tổ trưởng đầy nhiệt huyết năng động và sáng tạo. Từ nhiều năm nay, các ông đã đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối giữa những người vay vốn với NHCSXH. Các ông đã có nhiều cách làm hay khiến những hộ vay rất cảm kích, tự nguyện mang tiền lãi hàng tháng đến đóng tại nhà của Tổ trưởng. Những trường hợp bận bịu công việc nương rẫy hay đường sá xa xôi không đến đóng được thì các ông lặn lội đến từng hộ để thu…, do đó nhiều năm qua trong tổ không có nợ xấu, không ai chây ỳ…

Đánh giá về những người Tổ trưởng trong lòng dân ấy, ông Nguyễn Mậu An - Chủ tịch Hội Nông dân xã nói: Họ là những tấm gương điển hình không chỉ về sự nhiệt tình tận tâm mà còn cả trong làm ăn. Đồng vốn đến tay người vay có hiệu quả hay không một phần nhờ sự chung tay góp sức của họ. Dù hoa hồng được rất ít những họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con trong mọi chuyện, họ kêu gọi bà con đi tập huấn, họ còn hướng dẫn cách làm ăn cho bà con, họ còn làm cả công tác tuyên truyền vận động để bà con chí thú làm ăn và trả nợ đúng hạn… Nếu không có uy tín, không có tài thuyết phục, vận động thì không thể làm được điều đó. Họ đúng là những “cán bộ tín dụng” trong lòng dân.

Ngọc Quý

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác