Tiếp sức vùng hải đảo

27/03/2013
(VBSP) Chưa khi nào chuyện làm ăn của ngư dân ở xã hải đảo Nhơn Lý - một trong 3 xã miền biển thuộc TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có không khí hồ hởi như hiện nay. Ở thôn xóm nào cũng rộ lên những câu chuyện bàn cách đầu tư về nghề đánh và nuôi trồng hải sản. Từ hiệu quả khai thác, phát triển kinh tế biển mang lại, trong thời gian qua, người dân vùng hải đảo Nhơn Lý đã không ngừng nâng cao công suất tàu cá, mua sắm thêm ngư lưới cụ, mở rộng diện tích đầm, ao nuôi tôm theo quy trình công nghiệp.
Tiep-suc-vung-hai-dao600

Kinh nghiệm của Nhơn Lý, đóng tàu cỡ lớn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chị Bùi Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự: “Vào năm 2007, toàn xã Nhơn Lý chỉ mới có 487 tàu cá, hầu hết là tàu nhỏ cỡ 45CV, chuyên đánh bắt gần bờ và lác đác vài ba hộ nuôi tôm cá nước lợ theo lối tự nhiên, quảng canh. Đến nay, hầu hết ngư dân ở đây đã nâng cấp tàu lên đến 420CV, vươn ra khơi đánh bắt được hàng ngàn tấn cá thu, mực ống mỗi vụ, riêng thôn Lý Chánh của xã đã có hơn 60 hộ, làm nghề thủ công đan lưới phục vụ đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Để làm được điều này, ngư dân được sự hỗ trợ đầu tư của các ngành, các cấp, trong đó: đáng kể về nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH”. 

Đơn cử như trường hợp của ông Huỳnh Hữu Mai, năm 2008 nhờ tiếp cận được với kênh cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH TP. Quy Nhơn gia đình ông đóng được một chiếc tàu công suất nhỏ (45CV) làm nghề giã cào. Sau hai năm hành nghề, ông Phước nhận rõ tàu càng nhỏ công suất, hiệu quả kinh tế mang lại càng kém; vì vậy, để kinh tế gia đình đỡ khó khăn, có tích luỹ, ông Mai đã quyết định vay thêm NHCSXH và anh em họ hàng đóng mới, nâng cấp tàu đánh cá có đủ công suất vươn ra biển xa. Có tàu to, đánh bắt được nhiều cá, thu nhập của cả chủ tàu lẫn thuyền viên tăng hơn so với trước “Số lượng thuyền viên đang làm trên tàu của tôi là 8 người. Trước đây khi làm trên tàu công suất nhỏ (270CV), thu nhập bình quân của mỗi người lao động chỉ khoảng 28 - 30 triệu đồng/năm. Bây giờ làm trên con tàu lớn (420CV), thu nhập mỗi lao động đã tăng tới 2,5 lần, khoảng 80 - 85 triệu đồng/năm”. Chủ tàu Huỳnh Hữu Mai phấn khởi nói. “Nước lên, thuyền lên”, hiện nay ông Mai đã trả hết nợ cũ với ngân hàng lại còn dư dả kinh tế, song ông vẫn quyết tâm lập dự án vay thêm  500 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh Bình Định để đóng 2 con tàu mới có công suất lớn. 

Khi đoàn tàu hành nghề giã cào đôi ở xã Nhơn Lý được các ngành, các cấp và nguồn vốn chính sách tiếp sức mạnh, đồng loạt tăng công suất, thì nghề đan lưới cung ứng cho tàu đánh bắt hải sản cũng hưng thịnh theo. Chị Phan Thị Tuyết chủ cơ sở chuyên sản xuất lưới giã cào ở thôn cửa biển Lý Chánh cho biết: “Sau khi tàu đánh cá của địa phương nâng cấp lên công suất lớn, số lưới cũ không còn phù hợp nữa, thế là tôi đi Vũng Tàu học tập rồi về vay 30 triệu đồng của NHCSXH mở cơ sở sản xuất lưới đến nay đã được 5 năm”. 

Hiện nay, mỗi năm cơ sở của chị Tuyết cung ứng đến 50 tấm lưới hành nghề giã cào đôi, với 30 lao động làm việc thường xuyên có mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người. Mỗi tấm lưới dài 100 mét. Sâu 15 mét, có giá trị 42 triệu đồng/tấm. “Nhớ lại thời gian đầu chuyển hướng nghề đan lưới và mở cơ sở sản xuất phục vụ kinh tế biển, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH chắc tôi không phát triển nổi nghề thủ công đan lưới như ngày nay đâu” - chị Tuyết nói. 

Ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Định cho biết: “Nghề đánh bắt và chế biến, nuôi trồng hải sản ở Bình Định phát triển khá mạnh mẽ. Riêng xã biển đảo Nhơn Lý, thuộc TP. Quy Nhơn trong những năm qua đã có hơn 1 nghìn hộ vay vốn ưu đãi đầu tư nghề cá, đạt tổng dư nợ với NHCSXH là 21 tỷ đồng, chiếm 59% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Hộ có nhu cầu đóng tàu mới công suất lớn được vay từ 100 - 500 triệu đồng, hộ có nhu cầu mua ngư lưới cụ được vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Trong 5 năm trở lại đây, đồng vốn NHCSXH đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt,  góp phần xóa nghèo, nâng cao đời sống nhân dân vùng hải đảo, đặc biệt nhất là Chi nhánh chúng tôi không có phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn trong đối tượng ngư dân”. 

Lê Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác