Tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội
Phóng viên: Ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn?
Trả lời: Trong 10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, Ban điều hành HĐQT NHCSXH, cùng với sự nỗ lực của NHCSXH tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Kết quả lớn nhất là tranh thủ và tập hợp được nguồn vốn lớn từ Trung ương đến địa phương để kịp thời giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến ngày 31/12/2012, tổng số vốn NHCSXH là gần 1.300 tỷ đồng, tăng 31 lần so với năm 2004, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm đạt 51,5%. Đây là một tỷ lệ tăng khá cao so với tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn chung của toàn quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai kịp thời, có hiệu quả 9 chương trình tín dụng chính sách, với doanh số cho vay là trên 2.071 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 141.090 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư vào sản xuất, cải thiện đời sống. Đến nay, tổng dư nợ là gần 1.280 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay hộ nghèo có dư nợ 530 tỷ đồng; học sinh, sinh viên hơn 190 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn gần 394 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường gần 64 tỷ đồng; giải quyết việc làm là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là dư nợ cho vay các chương trình khác. Điều đáng nói, hầu hết các hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn đều sử dụng đúng mục đích nên cuộc sống ngày càng ổn định, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
Đặc biệt, sau gần 10 năm thành lập và hoạt động, NHCSXH tỉnh đã xây dựng được hệ thống mạng lưới tổ chức từ tỉnh đến cơ sở hoạt động có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 9 Phòng giao dịch cấp tỉnh, huyện; 71 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 1.391 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã và đang đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Phóng viên: Để thực hiện tốt chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò rất quan trọng. Vậy ông có thể cho biết, công tác quản lý và kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đã được quan tâm như thế nào?
Trả lời: Thời gian qua, các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trở thành “cầu nối” không thể thiếu giữa NHCSXH với người dân. Vì thế, công tác xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự vững chắc luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Trên cơ sở căn cứ vào hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp loại Tổ tiết kiệm và vay vốn, chi nhánh đã tích cực chỉ đạo các Phòng giao dịch phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể tiến hành kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của tổ để đào tạo, tập huấn và củng cố kiện toàn kịp thời đối với những tổ hoạt động yếu kém, không hiệu quả hoặc có biểu hiện tiêu cực.
Theo đó, các Phòng giao dịch đã phân công cán bộ tín dụng phụ trách từng địa bàn tích cực tham gia vào các cuộc họp định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời, thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các tổ nhằm có biện pháp chấn chỉnh, kiện toàn cụ thể theo quy định. Qua quá trình kiểm tra, đối với các tổ hoạt động chưa tốt do trình độ của Ban quản lý tổ hoặc mất đoàn kết nội bộ, mất sự tín nhiệm của các thành viên… NHCSXH phối hợp với chính quyền các địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phân tích rõ nguyên nhân để củng cố, bầu lại Ban quản lý tổ mới.
Phóng viên: Nhân dịp tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH, ông có điều gì nhắn nhủ đến đội ngũ cán bộ, viên chức của chi nhánh?
Trả lời: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, các cán bộ, nhân viên trong toàn chi nhánh cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ chính sách tín dụng mà Chính phủ giao.
Mỗi cán bộ, nhân viên phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực quản lý điều hành và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành mà Đảng, Nhà nước đã giao cho NHCSXH. Để làm tốt điều này, cán bộ, nhân viên phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo và năng động, từng bước đưa NHCSXH tỉnh trở thành đơn vị vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Lương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » VỐN CHO THANH NIÊN LÀM KINH TẾ: Đoàn Thanh niên các cấp đưa ra nhiều giải pháp tiếp vốn cho đoàn viên phát triển kinh tế
- » Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- » Cầu nối giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo
- » Những người “gánh” vốn lên non
- » Phát triển hàng thủ công xuất khẩu
- » Tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- » Hãy cho người nghèo điểm tựa
- » Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên - cầu nối của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên
- » Huyện nghèo xuất khẩu lao động không đạt mục tiêu?
- » Hà Tĩnh: Tín dụng ưu đãi góp sức giảm nghèo