VỐN CHO THANH NIÊN LÀM KINH TẾ: Đoàn Thanh niên các cấp đưa ra nhiều giải pháp tiếp vốn cho đoàn viên phát triển kinh tế

27/03/2013
(VBSP) Hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập chính đáng và giải quyết việc làm cho người lao động... cũng là một nội dung thi đua của phong trào “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng nông thôn mới”. Sự vào cuộc của cơ quan Đoàn cấp trên trong việc tiếp vốn cho các mô hình sản xuất của đoàn viên, thanh niên đang có được sự hỗ trợ tích cực từ phía ngành Ngân hàng.
image001

Xuất bán kỳ đà tại trang trại anh Huỳnh Chí Công (TP. Hồ Chí Minh)

Theo Thành đoàn Hà Nội, hiện nay tại khu vực ngoại thành Hà Nội có tới hàng nghìn thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, tổ chức Đoàn các cấp và NHCSXH TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp vốn cho các đối tượng này. Trước đề xuất của Thành đoàn Hà Nội về việc tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho đối tượng thanh niên, hai năm qua UBND TP. Hà Nội đã phân bổ 15 tỷ đồng cho Thành đoàn Hà Nội quản lý, từ đó “chia vốn” cho thanh niên đủ tiêu chí vay. Hàng trăm mô hình thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi đã được nhân lên từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND TP. Hà Nội.

Tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện ủy thác vốn vay cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn giai đoạn 2003 - 2012 do Thành đoàn Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều tín hiệu vui từ phong trào “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được nêu bật.  Cụ thể, tính đến năm 2012, có 21/29 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội đã thành lập được Tổ tiết kiệm và vay vốn, 29/29 đơn vị có dư nợ vay vốn của thanh niên. 10 năm qua, tổng số dư nợ của nguồn vốn do Đoàn Thanh niên quản lý đã tăng từ hơn 2 tỷ đồng năm 2003 lên gần 82 tỷ đồng năm 2012. Mặt khác, ngoài nguồn vốn vay từ Quỹ giải quyết việc làm của TP. Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội còn tạo thêm nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn. Năm 2012, Trung ương Đoàn đã giải ngân hơn 3 tỷ đồng với 14 dự án. Nguồn vốn trên đều được các hộ thanh niên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thanh niên lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH cũng phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng cho hàng ngàn đoàn viên, thanh niên nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, khôi phục và phát triển một số nghề truyền thống…

Để tăng thêm nguồn vốn, nhằm phát huy những thành quả trên trong năm 2013, Thành đoàn đã trình UBND TP. Hà Nội tiếp tục bổ sung thêm 10 tỷ đồng. Đối tượng giải ngân là các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây công nghiệp, lương thực, hoa màu, cây ăn quả, dịch vụ nhỏ, nuôi thủy, hải sản, con đặc sản. Mức cho vay tối đa 300 triệu đồng/cơ sở sản xuất, kinh doanh; 20 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,65%/tháng. Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội cũng có tờ trình với Ban Bí thư Trung ương Đoàn xin duyệt bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm năm 2013 cho hai dự án được đánh giá là mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu tại Hà Nội. Đó là dự án “Phát triển và sản xuất, kinh doanh lồng chim bằng sắt” do đoàn viên thanh niên Nguyễn Văn Hùng, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai làm chủ, với số vốn đề xuất vay 350 triệu đồng, nhằm mục đích mua máy móc sản xuất và sửa chữa nhà xưởng; dự án “Phát triển kinh tế trang trại nuôi cá, vịt, cấy lúa” do đoàn viên thanh niên Nguyễn Văn Động, xã An Phú, huyện Mỹ Đức làm chủ, với vốn đề xuất vay 300 triệu đồng, nhằm đầu tư trang thiết bi, nhà kho… Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với NHCSXH thẩm định, phê duyệt cho vay 83 dự án (dự án được vay cao nhất là 300 triệu đồng, thấp nhất là 80 triệu đồng), với số lao động dự kiến thu hút được là 780 người…

Đức Hiền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác