Công cụ đắc lực để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại tỉnh Yên Bái

31/03/2013
(VBSP) Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2003, các chương trình tín dụng ưu đãi được đầu tư đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Cong-cu-dac-luc-1...jpg

Hoạt động của NHCSXH luôn nhận đuợc sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ban ngành

Ban đầu mới chỉ là 2 chương trình: Cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ 174 tỷ đồng nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước và NHNo&PTNT tỉnh (thời điểm tháng 4/2003), đến hết năm 2012, NHCSXH đã triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh.

Trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, NHCSXH chi nhánh tỉnh Yên Bái đã nâng tổng nguồn vốn tín dụng lên 1.405 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm đầu thành lập, trong đó vốn cân đối từ Trung ương 1.362 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 97%; vốn huy động tại địa phương 44 tỷ đồng, đặc biệt trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 24 tỷ đồng.

Từ 2 chương trình tín dụng năm 2003, đến hết năm 2012, đã thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách, chuyển tải 2.288 tỷ đồng cho hơn 195.000 lượt khách hàng là hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Dư nợ bình quân mỗi hộ tăng từ 3,6 triệu đồng (năm 2003) lên 13,4 triệu đồng (năm 2012).

Ngay từ khi thành lập, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương xây dựng mạng lưới hoạt động, hoàn thiện mô hình hoạt động và phương thức quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Mô hình tổ chức hoạt động của NHCSXH đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Một trong những đặc thù của hoạt động NHCSXH là phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức hội, đoàn thể. NHCSXH với bộ máy gọn nhẹ đảm nhiệm các quy trình nghiệp vụ giải ngân, thu nợ và quản lý toàn bộ quá trình chu chuyển của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Các hội, đoàn thể bằng mạng lưới cơ sở của mình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn bản sẽ đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi; thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn và kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác; kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

Đến hết năm 2012, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; 35 hội cấp huyện; ký hợp đồng ủy thác với 497 hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với 2.657 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản.

Đến 31/12/2012, dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh đạt 1.365.895 triệu đồng, chiếm 97,5% tổng dư nợ.

Kết quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể qua 10 năm đã phản ánh tính tiên tiến của phương thức cho vay: Chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đồng thời quản lý vốn tín dụng chính sách công khai, dân chủ, xã hội hóa hoạt động NHCSXH; các tổ chức hội, đoàn thể có điều kiện kết nạp thêm được hội viên và củng cố, kiện toàn các tổ chức của mình từ cơ sở ngày càng vững mạnh đồng thời có thêm một phần kinh phí để hoạt động.

Cong-cu-dac-luc-2...jpg

Cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái giao dịch với bà con vay vốn tại Điểm giao dịch xã Nam Cường (TP. Yên Bái)

“Nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh   Yên Bái đã góp phần giúp 48.831 hộ thoát nghèo; tạo ra 12.570 việc làm mới cho   người lao động; hỗ trợ 21.272 học sinh, sinh viên được đi học; hỗ trợ 6.183   hộ xây dựng nhà ở kiên cố theo Quyết định 167; xây dựng 17.959 công trình   nước sạch, 18.218 công trình vệ sinh; 20.407 hộ dân ở vùng khó khăn được đầu   tư vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; 4.062 hộ dân tộc thiểu số   đặc biệt khó khăn được vay vốn mua giống gia súc, gia cầm chăn nuôi cải thiện   đời sống; hàng nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn   đi xuất khẩu lao động…”

NHCSXH đã tổ chức hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, phường với hình thức: Tại trụ sở UBND mỗi xã, phường, thị trấn đặt một Điểm giao dịch lưu động; mỗi tháng một lần, tổ giao dịch lưu động của NHCSXH trực tại Điểm giao dịch xã để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và triển khai các công việc quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã.

Đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã tổ chức 180 Điểm giao dịch tại 180 xã, phường trên toàn tỉnh. Hoạt động giao dịch đã đi vào nền nếp. Tại các  Điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Đến nay, NHCSXH đã khẳng định vai trò của mình đối với sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế đất nước. Đóng góp này đã được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác ghi nhận.

Trong thời gian tới, căn cứ vào chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái xác định tập trung vào một số mục tiêu chủ yếu sau:

Nguồn vốn và dư nợ mỗi năm tăng trưởng bình quân 10%, trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đến năm 2020 đạt 100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, đảm bảo 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ, trước mắt là chương trình cho vay hộ cận nghèo, tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ để hoạt động của ngân hàng ngày càng phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người nghèo.

Tạ Văn Long

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác