Chặng đường 10 năm hoạt động, có một chương trình tín dụng tăng trưởng đột biến

30/03/2013
(VBSP) Tính đến ngày 31/12/2012, sau 10 năm hoạt động gần 97% tổng dư nợ của NHCSXH đã tập trung cho vay 6 chương trình tín dụng; trong đó, cho vay hộ nghèo vẫn tiếp tục là chương trình lớn nhất; kế đến là chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, từ chỗ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong 5 năm đầu, nay đã tăng lên ở hàng thứ 2 (chiếm 31,4%, 35.802 tỷ đồng, giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập).

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên ở nước ta được triển khai cách đây 15 năm (từ tháng 3/1998), tuy nhiên chỉ sau khi chương trình được bàn giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam về NHCSXH (tháng 5/2003), đặc biệt là với sự chủ động đề xuất của NHCSXH cùng các ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/QĐ/TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên thì Chương trình đã thực sự được triển khai rộng khắp cả nước. Có thể nói, ít có chính sách nào lại nhanh chóng đi vào cuộc sống như chính sách tín dụng học sinh, sinh viên; được Thường trực Chính phủ mà trực tiếp Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trong việc bố trí nguồn vốn và phương pháp tổ chức thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình. Đơn cử như Bộ Tài chính không những tích cực cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên, còn chủ động bàn thảo với NHCSXH, các ngành liên quan kịp thời tham mưu cho Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức cho vay, lãi suất cho vay của chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội. Cụ thể, vào thời thời điểm tháng 10/2007, mức cho vay mới có 800.000 đồng/HSSV/tháng; nhưng từ tháng 8/2011 đến nay qua 3 lần điều chỉnh mức cho vay đã lên 1.000.000 đồng/HSSV/tháng. Những đồng vốn ưu đãi đó đã giúp các hộ nghèo và những gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, đảm bảo thực hiện chủ trương của Nhà nước, không để một học sinh, sinh viên nào đỗ đại học, cao đẳng… phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. 

5 năm trôi qua, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo chính sách mới của Nhà nước đang góp phần đáng kể vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, đảm bảo an sinh xã hội, bởi nó còn được sự tham gia đồng bộ, tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là 4 tổ chức hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Các tổ chức hội, đoàn thể vừa nhận uỷ thác từng phần với NHCSXH cho vay vốn tín dụng, học sinh, sinh viên vừa tăng cường công tác xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hơn 204 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo việc bình xét công khai hộ đủ điều kiện vay vốn cũng như thường xuyên đôn đốc việc nộp lãi, thu nợ đến kỳ hạn của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Chính việc thực hiện cho vay thông qua hộ gia đình trên cơ sở thiết lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản, ấp đã đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai chính sách tín dụng học sinh, sinh viên của Đảng, Nhà nước. Điển hình như Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn hơn 2 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý thực hiện bình xét công khai các trường hợp được vay vốn, mời đại diện chính quyền địa phương tham dự, xác nhận và phối hợp với ngân hàng lập danh sách cho vay. Hội Cựu chiến binh huyện Đại Từ - vùng căn cứ Cách mạng thời chống Pháp ở tỉnh Thái Nguyên ngoài việc hướng dẫn các hộ làm thủ tục, hồ sơ vay vốn một cách hiệu quả, đúng mục đích, đồng thời đôn đốc các hộ gia đình hoàn trả vốn, lãi đúng thời hạn. 

5 năm qua, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã tạo sự gắn kết, huy động được nguồn lực sẵn có trong xã hội, góp phần xã hội hóa công tác tín dụng chính sách cũng như công tác giáo dục, xuất hiện những điển hình như Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ huyện Hoài Mỹ (Bình Định), Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình (Hòa Bình)… đã hướng dẫn các thành viên chấp hành trả nợ, lãi đúng thời hạn, giúp đỡ, tương trợ nhau vượt khó khăn, sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích - Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên chăm lo con em học hành đến nơi đến chốn như cựu chiến binh Bùi Xuân Giáp ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An), gia đình bà Phạm Thị Thủng, ấp Láng Dài, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu)… 

5 năm qua, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đạt được tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ đột biến, tăng thêm lòng tin của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng chính sách. Góp phần đáng kể vào kết quả đó cần phải kể đến sự cố gắng nỗ lực của NHCSXH. Bởi nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình tín dụng chính sách do Chính phủ giao, NHCSXH đã tích cực huy động nguồn vốn trên thị trường, đặc biệt là nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho đối tượng thụ hưởng theo quy định. Ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay, thu nợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người vay. Cùng với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, NHCSXH các cấp phối, kết hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương, cơ sở động viên hộ vay vốn nêu cao ý  thức tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ lao động để trả nợ đến hạn. Song song đó, thực hiện tốt biện pháp giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ Chương trình trước kỳ hạn.Việc làm này cũng đã góp phần giảm gánh nặng cho hộ vay vốn khi đến hạn trả nợ cuối kỳ; đồng thời, NHCSXH có nguồn vốn bổ xung cho vay quay vòng”. Năm 2011, số tiền gốc trả nợ trước hạn là 1.163 tỷ đồng, năm 2012 là 2.500 tỷ đồng. Việc làm và con số ấy có ý nghĩa rất thiết thực, sâu sắc, ghi nhận cố gắng của toàn hệ thống NHCSXH. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có nhu cầu nguồn vốn lớn, thời gian cho vay dài hạn, có thời điểm còn gặp khó khăn trong việc cân đối vốn và nguồn vốn chưa có tính ổn định, bền vững… Do vậy, cùng các giải pháp tổ chức thực hiện, khắc phục tồn tại trên NHCSXH đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong huy động nguồn vốn, để huy động sức mạnh toàn xã hội. Tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ uỷ thác, phát huy vai trò giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn để phát huy hiệu qủa việc sử dụng vốn vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên trong tình hình mới. 

Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác