Bắc Ninh: Xây dựng NHCSXH vững mạnh, phục vụ đắc lực công cuộc xóa đói, giảm nghèo
Nhân sự kiện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lương Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Ninh xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá đôi nét về hoạt động của chi nhánh trong thời gian qua?
Trả lời: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đề ra và thực thi nhiều chủ trương, chính sách về xóa đói giảm nghèo nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh. Trong đó, tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội là một chính sách lớn, được coi là công cụ quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời thành lập NHCSXH, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để thực thi nhiệm vụ quan trọng này.
Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban đại diện HĐQT, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã phấn đấu vươn lên, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Triển khai thực nghiêm túc Chỉ thị 09 ngày 16/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH. NHCSXH tỉnh đã sớm củng cố bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động rộng khắp các địa bàn, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nhất là triển khai, duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của hệ thống các điểm giao dịch tại 100% xã, phường, thị trấn, cùng mạng lưới 2.802 Tổ tiết kiệm và vay vốn trong tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi trên nguyên tắc dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng thụ hưởng nên đã mang lại hiệu quả kinh tế, ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn trên địa bàn.
Tranh thủ sự lãnh đạo, tạo điều kiện của NHCSXH Trung ương và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Từ đó đã tạo được lòng tin và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Phóng viên: Vậy hiệu quả đồng vốn ưu đãi của NHCSXH đã được phát huy trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Trả lời: 10 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bám sát các chương trình, kế hoạch của TW, mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tích cực triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn với quy mô mở rộng, chất lượng ngày càng cao.
Từ khi thành lập chỉ triển khai 2 chương trình tín dụng, đến nay NHCSXH đã và đang thực hiện cho vay 7 chương trình tín dụng tại 100% các huyện, thị xã, thành phố. Tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh đến nay đã đạt 1.535,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cân đối từ trung ương đạt trên 1.482,9 tỷ đồng, tăng 9,1 lần so với năm 2002, nguồn vốn của tỉnh đạt 24,7 tỷ đồng và nhất là nguồn vốn huy động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 28,93 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, NHCSXH đã cho vay theo các chương trình với tổng doanh số cho vay đến 31/12/2012 đạt 3.080 tỷ đồng, với 312.370 lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 1.616,142 tỷ đồng, tăng 9,8 lần so với năm 2002, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,27% tổng dư nợ.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nguồn vốn, từ khâu giải ngân, thu nợ, kiểm tra, giám sát… nên các chương trình tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả cao. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo trong 10 năm đã có 173.014 lượt hộ nghèo được vay số tiền hơn 1.488 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, đã có 62.569 hộ được vay vốn có sự cải thiện về cuộc sống, trong đó 46.514 hộ đã thoát nghèo.
Các chương trình khác như: Cho vay giải quyết việc làm đạt doanh số 182,4 tỷ đồng, với 15.280 lao động được tạo việc làm; cho vay xuất khẩu lao động đạt doanh số 32,544 tỷ đồng với 1.206 lượt hộ được vay vốn; chương trình tín dụng HSSV từ năm 2007 đạt doanh số 780,898 tỷ đồng, với 40.519 hộ được vay vốn, trang trải chi phí học tập cho 43.754 HSSV; chương trình NS&VSMT có doanh số cho vay là 549,852 tỷ đồng, với 40.519 lượt hộ được vay vốn, đã góp phần xây dựng và cải tạo mới 115.607 công trình NS&VSMTNT đủ tiêu chuẩn theo quy định; cho vay Hộ nghèo về nhà ở trong 3 năm đã cho vay, hỗ trợ 1.694 hộ nghèo có tiền xây dựng nhà mới với số tiền là 13.550 triệu đồng; CHho vay phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (KFW) đạt doanh số 32,6 tỷ đồng.
Có thể nói, với sự chủ động tích cực của NHCSXH, sự hỗ trợ tạo điều kiện, kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành, đoàn thể, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, được các cấp, ngành và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Phóng viên: Theo đồng chí thì những thành công trên bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
Trả lời: Trước hết, Nghị định của Chính phủ ra đời phù hợp với yêu cầu tất yếu khách quan của quá trình CNH - HĐH, được đông đảo tầng lớp nhân dân ủng hộ. Sau 10 năm đi vào hoạt động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHCSXH đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và BĐD HĐQT NHCSXH các cấp trong việc triển khai các chương trình cho vay với phương châm thực hiện công khai hóa, dân chủ hóa các chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi dành cho các đối tượng chính sách xã hội. Tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương và NHCSXH Trung ương. NHCSXH cũng đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội nên hầu hết nguồn vốn được giải ngân đều được ủy thác và lồng ghép vào các chương trình, dự án của các cấp hội, đoàn thể, rất phù hợp với nhu cầu của từng thành viên tham gia.
Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập ở từng thôn, xóm được Ban xóa đói giảm nghèo xã, phường, thị trấn trực tiếp kiểm tra, quản lý nên nguồn vốn NHCSXH đã đến được 100% xã trên địa bàn, đến đúng đối tượng thụ hưởng, được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao…
Phóng viên: Vậy, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới của NHCSXH là gì?
Trả lời: Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Trung ương, kết hợp với nguồn vốn ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Mục tiêu đến 2020, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng, nợ quá hạn ở mức thấp không quá 1%/tổng dư nợ.
Muốn vậy, chi nhánh cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, tăng cường sự phối hợp thực hiện với các ngành chức năng và các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn, các quy trình nghiệp vụ vay vốn, bảo đảm công khai, minh bạch, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh, huyện. Đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương tìm các giải pháp xóa nghèo bền vững thông qua đầu tư nguồn vốn cho các mô hình kinh tế có hiệu quả, lồng ghép với các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, gắn xoá đói giảm nghèo với thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương để người nghèo có cơ hội tìm được việc làm, tăng thu nhập… góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Xin cảm ơn đồng chí!
Sau 10 năm hoạt động, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo dấu ấn và niềm tin với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân.
“Tăng cường sự phối hợp” Sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức trong hệ thống hội phối hợp với NHCSXH để triển khai việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến hộ nông dân nghèo, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận được nguồn vốn, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Từ 1 chương trình cho vay hộ nghèo với 852 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 133 tỷ đồng, đến nay Hội Nông dân đã nhận ủy thác thực hiện 6 chương trình ở 8 huyện, thị xã, thành phố với dư nợ lên hơn 461,4 tỷ đồng cho 30.536 lượt hộ vay vốn ở 846 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Từ hoạt động cho vay ủy thác thời gian qua đã mang lại hiệu quả to lớn trong thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, tạo điều kiện giúp hơn 20 nghìn lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 4,45% năm 2012. Hy vọng, trong những năm tiếp theo Hội Nông dân và NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự phối kết hợp hiệu quả để thực hiện có hiệu quả Văn bản liên tịch giữa 2 ngành đã ký kết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm ở nông thôn, xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ (Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh). |
“Cần tăng vốn và kéo dài thời hạn cho vay” Hiện nay, các tổ chức hội ở thị trấn Hồ đã đứng ra nhận ủy thác với NHCSXH giúp 700 hộ vay hơn 13,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hầu hết các hộ đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, làm trang trại đem lại hiệu quả kinh tế, trong đó nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 3,9%. Để sử dụng đồng vốn chính sách hiệu quả, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và hội viên có ý thức quản lý vốn chặt chẽ, đồng thời đề nghị các thôn rà soát số hộ nghèo, bổ sung kịp thời, hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả. Rất mong Nhà nước, Chính phủ tăng thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách và thời gian vay dài hơn để người dân ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc, thoát nghèo bền vững (Ông Dương Xuân Hải, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Giảm nghèo thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). |
“Tạo niềm tin đối với hội viên vay vốn” Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn do tôi quản lý ban đầu thành lập chỉ có 5 hộ được vay vốn với số tiền hơn 10 triệu đồng đến nay tăng lên 50 hộ với dư nợ hơn 1, 6 tỷ đồng. Với sự quan tâm của NHCSXH, các hộ vay vốn được cung cấp miễn phí mọi thủ tục, giấy tờ, đồng thời các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được tập huấn thường xuyên nhờ đó hoạt động của Tổ phát huy hiệu quả, không có trường hợp nào nợ quá hạn. Chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã tạo niềm tin, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đời sống, có điều kiện cho con em được học hành góp phần ổn định xã hội (Bà Nguyễn Thị Huê, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). |
“Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay” Cách đây chưa lâu, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo do diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, thiếu vốn làm ăn song nhờ có chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước cùng với nguồn vốn của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi từ đó thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Qua nguồn vốn ủy thác giữa Hội Phụ nữ phường và NHCSXH, năm 2009 gia đình được vay 27 triệu đồng vốn ưu đãi chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư xây chuồng trại, thường xuyên nuôi 35 - 40 con lợn thương phẩm. Trong chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường…, song được NHCSXH tạo điều kiện giúp đỡ nguồn vốn vay với lãi suất thấp nên phần nào giúp việc chăn nuôi của gia đình phát huy hiệu quả. Đến nay, gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và tiếp tục được ngân hàng cho vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường. Cũng như nhiều hộ vay vốn khác, tôi rất hài lòng về phong cách làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ NHCSXH. Với tinh thần gần dân, hiểu dân, tận tụy với dân, các cán bộ ngân hàng đã hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn, các thủ tục hồ sơ vay vốn, đồng thời tư vấn cách làm ăn sao cho có hiệu quả… (Bà Trịnh Thị Chề, khu Đương Xá, phường Vạn An thành phố Bắc Ninh). |
CTV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 10 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Tiếp niềm tin cho khát vọng đổi đời
- » Tiếp sức vùng hải đảo
- » Tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội
- » VỐN CHO THANH NIÊN LÀM KINH TẾ: Đoàn Thanh niên các cấp đưa ra nhiều giải pháp tiếp vốn cho đoàn viên phát triển kinh tế
- » Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- » Cầu nối giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo
- » Những người “gánh” vốn lên non
- » Phát triển hàng thủ công xuất khẩu
- » Tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai