HÀNH TRÌNH 10 NĂM CỦA NHCSXH: Vì sự ổn định, nâng cao đời sống cho người nghèo

10/04/2013
(VBSP) Chính thức hoạt động từ ngày 11/3/2003, NHCSXH được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên phạm vi cả nước. Trải qua 10 năm những gì mà cán bộ, nhân viên và người lao động của NHCSXH đã làm được không chỉ khẳng định được vị trí quan trọng của mình là một tổ chức tín dụng hết sức đặc thù là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà còn trở thành chỗ dựa tin cậy cho các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc trong sự nghiệp xóa nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Ngay từ đầu tiếp cận nhiệm vụ được giao, NHCSXH đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Từ một khởi đầu rất thiếu thốn, với 7.083 tỷ đồng nguồn vốn, một chương trình tín dụng và 500 cán bộ từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo chuyển sang, trụ sở làm việc toàn hệ thống chủ yếu phải thuê, mướn, mượn… mà trở ngại lớn nhất về địa bàn hoạt động là các xã vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí của người dân thấp kém, sản xuất lạc hậu… do vậy, khâu đột phá đầu tiên của NHCSXH là phải làm tốt công tác xây dựng mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị -  xã hội từ Trung ương đến địa phương để chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, về tận xã, phường, bất kể vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện phương châm “3 cùng”, những cán bộ NHCSXH đã kiên trì cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng các Điểm giao dịch lưu động tại xã, tổ chức hoạt động cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn để cùng hướng dẫn nhân dân vay vốn ưu đãi thuận lợi và sử dụng vốn vay vào mục đích sản xuất, kinh doanh sinh được lời, cải thiện cuộc sống.

Thấm thoát từ ngày khởi đầu ấy, nay đã tròn 10 năm NHCSXH đạt được bước phát triển vượt bậc, thể hiện trên một số mặt cụ thể như đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội chung tay góp sức kiện toàn mạng lưới rộng khắp cả nước bao gồm 63 Ban đại diện HĐQT và chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, 618 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, 10.861 Điểm giao dịch ở xã, hơn 204,5 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây thực sự là một cách làm sáng tạo, phù hợp của NHCSXH. Với mô hình, mạng lưới hoạt động của NHCSXH như vậy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã phủ kín từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến hải đảo xa. Tại các Điểm giao dịch, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và mọi hoạt động của NHCSXH được niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ đó, đã hạn chế được việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô lợi dụng tiền vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và NHCSXH…

Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH đã thực hiện tốt những mục tiêu mà Chính phủ giao phó là tập trung nguồn vốn lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi, điển hình nhất là đưa tổng dư nợ tính đến 31/12/2012 lên 113.921 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,8% /năm. Gần 97% tổng dư nợ của NHCSXH tập trung cho vay 6 chương trình tín dụng xóa nghèo, trong đó, cho vay hộ nghèo vẫn tiếp tục là chương trình lớn nhất, (chiếm 36,5% tổng dư nợ). Chương trình cho vay học sinh, sinh viên từ chỗ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong 5 năm đầu, nay đã tăng lên ở vị trí thứ 2 (chiếm 31,4%) tiếp đến là các Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở…

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong 10 năm qua đã giúp 2,9 triệu hộ gia đình thoát khỏi ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Kết quả hoạt động 10 năm qua của NHCSXH còn thể hiện trong việc xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ngoài việc tổ chức bộ máy quản trị, bộ máy điều hành tác nghiệp ở 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện là phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua hình thức uỷ thác cho các tổ chức chính trị - xã hội một số công việc như thành lập, chỉ đạo hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, cùng NHCSXH đôn đốc thu hồi nợ. Đến nay, 4 tổ chức hội, đoàn thể cùng tham gia quản lý 111.620 tỷ đồng, chiếm 98% trong tổng dư nợ của NHCSXH. Nhờ mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách phù hợp mà NHCSXH đã thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa công tác xóa nghèo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn vay, đồng thời mỗi năm tiết kiệm chi phí cho Nhà nước hơn 100 tỷ đồng. Với những thành tích nổi bật trong 10 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của NHCSXH đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý.

Tuy đã đạt được những thành tựu lớn trong công cuộc xóa nghèo, nhưng đời sống của một bộ phận nông dân nước ta, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2012, mới có hơn 78% số hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH. Nhiều hộ chưa thoát nghèo một cách bền vững.

Vì vậy, nhiệm vụ của NHCSXH còn nặng nề và khó khăn, thách thức lớn. Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục đẩy mạnh tổ chức huy động vốn, đảm bảo đủ nguồn vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách; nâng cao hiệu quả phương thức uỷ thác tín dụng ưu đãi thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch lưu động ở xã, phường.

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, thực sự trở thành nhân tố quan trọng, không thể thiếu được trong công cuộc xóa nghèo ở nước ta. Đây thực sự là một kênh dẫn vốn hiệu quả nhất đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự hợp tác, giúp đỡ của các Bộ ngành, các tổ chức chính trị -xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng tình của nhân dân, cán bộ, viên chức và người lao động trong hệ thống NHCSXH tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao phó, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác