Ðiểm tựa cho những ước mơ của sinh viên nghèo hiếu học
Anh Ðặng Thành Vinh (52 tuổi) trú tại Khu phố Hòa Bình, phường Văn Yên (TP. Hà Tĩnh) tâm sự với chúng tôi: Do không có việc làm ổn định, cho nên cuộc sống của gia đình mới tạm lo đủ ăn. Năm 2010, con gái tôi là Ðặng Thanh Hương Trà thi đỗ vào trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, gia đình không biết xoay xở ra sao. Trong lúc bế tắc, được Hội Phụ nữ phường hướng dẫn, tôi lên NHCSXH làm thủ tục vay vốn cho con đi học. Cầm trong tay 5 triệu đồng từ ngân hàng về nhà cứ ngỡ là mơ. Nhờ có khoản tiền này nên con gái tôi mới nhập trường kịp thời. Ðến năm 2011, cũng nhờ khoản tín dụng của NHCSXH cho vay mà con trai tôi là Ðặng Thành Ðạt có điều kiện nhập học trường Đại học Ngân hàng. Anh Vinh cho biết thêm: “Nhờ có chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Nhà nước mà mỗi kỳ học, gia đình chúng tôi được vay 10 triệu đồng để trang trải việc học đại học cho hai con”. Còn cháu Hương Trà trải lòng: “Nếu không có chính sách tốt đẹp này của Ðảng và Nhà nước thì chị em cháu có học giỏi đến mấy cũng phải ở nhà lao động để kiếm sống, không có cơ hội đến giảng đường đại học”.
Chị Phạm Thị Thư ở xóm 5 xã Hương Minh (Vũ Quang) là người có gia cảnh khó khăn nhất mà chúng tôi gặp. Cách đây 10 năm, chồng chị bị bệnh đột ngột qua đời. Hộ nghèo, cuộc sống ở miền núi đã vất vả, lại một nách nuôi năm con nhỏ đã là một gánh nặng quá sức đối với hoàn cảnh “đứt gánh…” như gia đình chị Thư. Thế nhưng chị Thư đã gắng gượng đầu tư cho các con ăn học thành người mà theo chị Thư, tất cả nhờ vào “điểm tựa” Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Chị vui mừng nói: “Từ năm 2006 đến nay nhờ được vay vốn trang trải chi phí học tập cho nên bốn người con của tôi mới có tiền để đi học đại học. Ðến nay, một cháu đã đi làm và trả được hơn 5,5 triệu đồng tiền nợ gốc đầu tiên”.
Ðến xã thuần nông Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) mọi người thường nhắc đến gương sáng gia đình nghèo Nguyễn Ngọc Long ở thôn 5 nhưng hiếu học, khi có đến bốn người con đang theo học các trường đại học và cao đẳng. Căn nhà nhỏ, tiện nghi hầu như không có gì đã phần nào nói lên hoàn cảnh khó khăn của gia chủ. Nhưng điều đáng tự hào của gia chủ là trong nhà trên tường treo kín các bằng, giấy khen học sinh giỏi của các cháu… Anh Long lấy sổ ra tính: Thông qua Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, gia đình anh đã vay một khoản tiền khá lớn 128 triệu đồng cho 4 con đi học. Ðây là một trong những gia đình vay vốn cho các con ăn học nhiều nhất Hà Tĩnh hiện nay. Tôi hỏi: “Gia đình anh vay ngân hàng nhiều như vậy lấy tiền đâu mà trả nợ?”. Anh Long cho biết: “Nhờ có vốn Nhà nước cho vay ăn học mà đến nay gia đình đã có hai cháu ra trường, có việc làm khá ổn định và bước đầu đã góp trả được 42 triệu đồng…”.
Ðây là ba trong số hàng chục nghìn gia đình đầy khó khăn được vay vốn học sinh, sinh viên. Ði đến đâu chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện đầy cảm động mà các gia đình khó khăn, có con em theo học đại học, cao đẳng bộc bạch khi được nhắc đến nguồn vốn vay học sinh, sinh viên tiếp sức vượt qua khó khăn.
Hà Tĩnh là vùng đất nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học. Hàng năm, có hàng chục nghìn em học sinh, sinh viên thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, trong số này có không ít em đành ngậm ngùi phải gác lại ước mơ giảng đường vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Chủ trương của Chính phủ đã mở cánh cửa đến tương lai, khi giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tự tin bước vào giảng đường đại học, cao đẳng, học nghề…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ cho biết: Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về dư nợ Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Ngay sau khi có Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp cùng NHCSXH quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm giúp người nghèo, học sinh, sinh viên có thêm cơ hội học tập để nhanh chóng thoát nghèo. Và khi quyết định này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng hiếu học. Thực tế sau 5 năm thực hiện quyết định nói trên khi NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã cho hơn 31 nghìn học sinh, sinh viên vay 1.524 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 300 tỷ đồng. Ðến hết năm 2012, gần 70 nghìn lượt hộ được vay với con số dư nợ đạt 1.333 tỷ đồng (so với cả nước là 35.802 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ thuộc đối tượng hộ nghèo chiếm 30%; hộ cận nghèo và hộ có mức thu nhập bằng 150% hộ nghèo chiếm 66,6%; hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính chiếm 2,4%; học sinh, sinh viên thuộc diện con mồ côi chiếm 1%… Một số huyện có dư nợ cho vay lớn, như: Can Lộc 175 tỷ đồng, Cẩm Xuyên 166 tỷ đồng, Ðức Thọ 155 tỷ đồng, Hương Sơn 137 tỷ đồng, Thạch Hà 135 tỷ đồng, Kỳ Anh 129 tỷ đồng…
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho biết: Ðây được xem là chương trình tín dụng có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tăng thêm lòng tin của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng chính sách đối với chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước, từ đó góp phần ổn định xã hội. Chương trình này đã góp phần xã hội hóa công tác giáo dục - đào tạo; đồng thời, cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Ðặc biệt, chương trình này đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, vùng nghèo, kinh tế khó khăn và hay bị thiên tai (bão lũ, hạn hán) như ở Hà Tĩnh. Ðây cũng là điểm tựa tinh thần cho con em hộ nghèo và đối tượng chính sách phấn đấu học tập vươn tới những ước mơ xa, góp phần xóa nghèo và bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững…
Ðiều đáng mừng, khách hàng là những sinh viên nghèo sau khi ra trường có công việc dù ổn định hay chưa ổn định, đều có ý thức chắt chiu, dành dụm từng đồng lương để ưu tiên trả nợ cho ngân hàng, để ngân hàng còn có điều kiện “tiếp sức” cho những học sinh, sinh viên nghèo khác. Ðến nay, các khách hàng “đặc biệt” này đã trả nợ được 198 tỷ đồng và số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13%… Ðây là tiền đề để NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu trong vòng 5 năm tới sẽ cho các đối tượng học sinh, sinh viên vay với con số dư nợ khoảng 2.200 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đề xuất: “Chính phủ và các Bộ ngành cần có giải pháp, giải quyết những vướng mắc về nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay ở đầu các năm học; nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp giữa nhà trường, nơi công tác, hộ gia đình của đối tượng vay vốn và ngân hàng trong việc trả nợ khi đến hạn; có chính sách gia hạn nợ đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, ra trường chưa có việc làm và mở rộng cho vay đối với đối tượng có nhiều con đi học mà không đủ điều kiện kinh tế…”.
Thành Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Có một số hộ nghèo ở Gia Lai chưa mặn mà vay vốn sản xuất
- » Một mô hình đặc thù
- » Vốn… cứu nguy
- » 98% cựu chiến binh ở Tiền Giang sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích
- » 17.977 hộ cận nghèo ở Thái Nguyên có nhu cầu vay vốn trong năm 2013
- » Thêm vốn ưu đãi về làng
- » Một thập kỷ đồng hành giúp người nghèo vươn lên
- » Lịch phát sóng phim tài liệu
- » Hướng dòng tín dụng đến các buôn làng Tây Nguyên
- » Thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc