Để người nghèo thực sự muốn thoát nghèo

23/04/2013
(VBSP) Tại Hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến để công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả hơn nữa. Theo đó, cốt lõi của vấn đề là việc ban hành chính sách để người nghèo thực sự muốn thoát nghèo, từ đó tự chủ vươn lên.
Untitled-3

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì Hội nghị. 

Cần chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chính sách hiện nay vẫn còn cào bằng, có khoảng cách quá lớn giữa các mức ưu đãi, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu sâu để có những chính sách mang tính đặc thù. 

“Không phải dân tộc thiểu số nào cũng có trình độ phát triển ngang nhau, mỗi dân tộc, mỗi vùng cần có những chính sách ưu tiên khác nhau. Cần khắc phục sự chênh lệch lớn hiện nay ở các vùng giáp ranh, giữa các mức ưu đãi vì như vậy sẽ gây ra tâm lý trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, nhân dân”, ông Quyền nói. 

Ông Quyền cũng cho rằng, cần giảm dần hỗ trợ trực tiếp theo hướng gắn hỗ trợ trực tiếp với những nhiệm vụ cụ thể như trồng rừng, phát triển văn hóa, giáo dục… 

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu thực tế nhiều nơi có trình trạng “mất dân chủ trong giảm nghèo”, áp đặt người nghèo giảm nghèo theo những phương thức, mô hình, cách thức có sẵn. “Nếu phát huy được dân chủ, sự đồng thuận trong thực hiện chính sách giảm nghèo sẽ làm tăng nguồn lực, từ cộng đồng, từ bản thân người nghèo”, ông Hùng nói. 

Ông Hùng dẫn câu chuyện về mô hình 3 cứng (nền cứng - tường cứng - mái cứng) do Bộ Xây dựng triển khai. Thực tế nhiều nơi không phù hợp với mô hình này, chẳng hạn như ở khu vực núi cao, nếu vận chuyển vật liệu để xây dựng thì rất tốn kém. Hoặc đối với đồng bào nhiều dân tộc thì phong tục, tập quán văn hóa cũng không thể áp dụng 3 “cứng”. 

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, Trung ương chỉ nên ban hành các chính sách khung, thay vì quy định quá cụ thể sẽ gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. 

Chia sẻ quan điểm trên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương vì chính sách dân tộc, trình độ phát triển của từng địa bàn cụ thể là rất khác nhau, không thể áp dụng chung một mô hình, chính sách “cứng”. 

Hay như chính sách xuất khẩu lao động, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nêu thực tế tâm lý đặc trưng của người dân tộc thiểu số nói chung, ở vùng cao Hà Giang nói riêng là ngại đi xa nhà. Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động nhưng người dân không mấy hưởng ứng việc xuất khẩu lao động. Vì vậy, không gì hơn là thực hiện các dự án, đề án tạo việc làm tại chỗ. Chính phủ nên có chính sách huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm tại các huyện nghèo. 

Giảm chính sách “cho không” 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng muốn giảm nghèo, giảm nghèo bền vững thì bản thân người dân phải mong muốn giảm nghèo. Trong khi đó, hiện nay có quá nhiều chính sách “cho không”, do vậy dễ dẫn đến tâm lý chung là người dân không muốn thoát nghèo, ỷ lại, trông chờ quá nhiều vào chính sách ưu đãi của Nhà nước.  

“Cần cân nhắc, tính toán lại cụ thể giữa cần câu - con cá. Ưu tiên dạy nghề cho người nghèo. Muốn thoát nghèo người dân phải được dạy nghề, được vay vốn một cách phù hợp, thỏa đáng. Người dân không muốn thoát nghèo thì sẽ rất khó thoát nghèo”. 

Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ví von: “Có những chính sách cho cần câu nhưng câu hàng năm không ra được con cá”. Từ đó, ông Nguyễn Trần Nam nêu quan điểm việc cắt giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp để tăng các chính sách phát triển hạ tầng cần thực hiện có lộ trình, Chính phủ lượng hóa tỉ lệ cụ thể và công bố lộ trình thực hiện để người dân và địa phương chủ động tổ chức triển khai. 

Lồng ghép chính sách giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới 

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu vấn đề cần thiết phải có sự gắn kết giữa thực hiện chủ trương giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Các hộ nghèo chủ yếu ở nông thôn, điều kiện phát triển sản xuất khó khăn. Nếu thực hiện lồng ghép xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo sẽ mang lại hiệu quả rất cao.  

Đây cũng là định hướng được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu ra khi kết luận phần thảo luận tại Hội nghị. 

Untitled-4

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu cần phân loại nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên

Theo Phó  Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong việc hỗ trợ giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm tạo việc làm, gắn với sản xuất, gắn với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển sản xuất là rất quan trọng, quyết định thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.  

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với định hướng cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể, theo hướng giảm dần các chính sách “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách gián tiếp, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc phải xác định đây là nhiệm vụ chính của bản thân người dân, làm sao để người dân tự giác, chủ động trong thực hiện.   

“Việc thoát nghèo trước hết là cho mỗi người dân. Nếu người dân không muốn thoát nghèo, cứ muốn nghèo mãi thì chính sách thất bại. Nhưng nếu để người dân tự triển khai thực hiện sẽ rất khó khăn, do vậy Nhà nước phải đóng vai trò hỗ trợ. Những chủ trương này cần được thực hiện xuyên suốt từ quá trình xây dựng chính sách đến triển khai thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.  

Tiếp thu ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhất trí cho rằng những chính sách còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện thì phải sửa đổi nhanh chóng. Bên cạnh đó nghiên cứu để ban hành các chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng thêm đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để góp phần giải quyết giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.  

“Hộ nghèo vừa thoát nghèo nhưng chỉ gặp một khó khăn nào đó sẽ trở lại nghèo rất nhanh. Các mức hỗ trợ thực hiện theo từng nhóm đối tượng, với các mức ưu tiên khác nhau để khuyến khích người nghèo phấn đấu vươn lên”, Phó Thủ tướng nói.  

Đối với công tác tuyên truyền, cần giúp cho người dân và cộng đồng hiểu được cách thức, nguyên tắc triển khai công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới; nhân rộng mô hình, điển hình làm tốt để cùng thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. 

Xuân Tuyến

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác