Chuyển hướng nuôi cá nước lợ ở Trà Cú

23/04/2013
(VBSP) Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư đúng mục đích nên từ năm 2009 đến nay, nhiều hộ dân ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh sau những vụ nuôi tôm thất bại làm cho cuộc sống khốn đốn, khó khăn đã chuyển sang nuôi cá kèo, cá lóc bằng thức ăn công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chỉ riêng ở tỉnh Trà Vinh, với hơn 61,8 tỷ đồng thuộc chương trình giải quyết việc làm đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm ổn định tại địa phương. Trong 10 năm qua nguồn vốn giải quyết việc làm đã góp phần tăng từ  3 - 5 lần diện tích, sản lượng cá thương phẩm. Vào dịp này, nếu ta đến các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải sẽ dễ dàng nhận ra những ao nuôi cá kèo, cá lóc giữa vùng nước mênh mông nuôi tôm công nghiệp ngày nào, chỉ có khác là những ao nuôi con vật mới đó có những tấm lưới phủ kín mặt để ngăn chặn chim, cò bay lượn xuống mò ăn cá. Lão nông dân Thạch Bích, người Khmer, hiện là một chủ nuôi cá nóc nổi tiếng ở ấp Giồng Giữa xã Đình An, huyện Trà Cú sốt sắng khoe với mọi người: “Trước đây gia đình tôi từng có thâm niên 10 năm nuôi tôm công nghiệp, nhưng giá cả bấp bênh, lại bị dịch bệnh nên bị thất bại liên miên, khiến cạn kiệt vốn liếng. Có năm nhà tôi phải “treo ao”, nghỉ nuôi tôm, nhưng sau đó nhờ có dự án chuyển hướng sản xuất của Hội Nông dân phối hợp với NHCSXH huyện giúp đỡ, tôi đã vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư sang cải tạo ao đầm, mua con giống, nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp, không ngờ trúng mùa mấy vụ liền”.

Theo ông Thạch Bích, ngay năm đầu địa phương triển khai dự án, ông đã mạnh dạn đầu tư tất cả số tiền vay của NHCSXH vào mua cá giống tại các vùng ven biển tận Cà Mau, đồng thời cải tạo đầm hồ nuôi tôm trước đây để nuôi thử 6 ao cá lóc. Chính vì việc cân đối đầu tư con giống, nguồn thức ăn tốt và quy trình nuôi bài bản mà mô hình cá của gia đình ông đạt hiệu quả cao, thu lãi nhiều. Lúc đầu, 6 ao cá lóc của ông sau 6 tháng nuôi đã cho thu hoạch hơn 8 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ hết mọi chi phí, còn lãi ròng 100 triệu đồng, cao gấp 2,5 lần so với nuôi tôm, ấy là chưa kể nếu tôm bị “dính” bệnh coi như trắng tay. Do vậy, tính ra nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp vẫn lợi nhiều hơn nuôi tôm vì ít rủi ro, dịch bệnh, thị trường cá lại ổn định. Hiện tại gia đình ông Bích đang nuôi thả 25 ao, ước 10ha mặt nước, và là 1 trong những hộ nuôi cá lóc có quy mô lớn trong vùng. Đến thời điểm này, do chuyển hướng chăn nuôi trúng đậm, ông Bích còn trả hết nợ trước kì hạn số vốn vay của NHCSXH và tham gia tích cực gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp với số tiền là 30 triệu đồng.

Tương tự, hộ anh Trịnh Văn Nhã ấp Cồn Cú, xã Vĩnh Thành, huyện Trà Cú đã sử dụng vốn vay NHCSXH thả nuôi 15 ao cá  lóc với diện tích gần 40 nghìn mét vuông mặt nước. Đến nay, gia đình anh đang thu hoạch 10 ao, và dự kiến với 15 ao này sẽ thu được hơn 50 tấn cá thương phẩm. Anh Nhã cũng có kế hoạch trả nợ toàn bộ tiền vay của NHCSXH ngay sau mùa thu hoạch cá năm nay. “Đúng là đồng vốn ưu đãi đã kịp thời trợ giúp cho nông dân chuyển hướng nuôi trồng thuỷ sản, thoát cảnh khốn khó, nợ nần bởi nghề nuôi tôm thất bát và đem lại nguồn thu nhập đáng kể nơi vùng quê ven biển mặn mòi, gió cát này” - Anh Nhã nói.

Kinh nghiệm  thực tế của các hộ Trà Cú, Trà Vinh tham gia dự án đầu tư vốn ưu đãi chuyển hướng sản xuất cho thấy, cá lóc, cá kèo, dễ nuôi, ít dịch bệnh,  rủi ro. Tuy nhiên, cần phải mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn vay chính sách đúng vào những việc mua con giống tốt, tìm mua nguồn thức ăn có uy tín, đảm bảo chất lượng, thì nhất định cá kèo sẽ phát triển tốt và tỷ lệ nuôi thành công cao.

Thành An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác