Đầu tư mạnh hơn cho giảm nghèo

23/04/2013
(VBSP) Thời gian qua, Nhà nước đã bố trí gần 24.000 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, gần 6.000 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn giảm học phí, 10.700 tỷ đồng phục vụ giảm nghèo bền vững...
Untitled-7

Hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững chiều 22/4

Chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững. Tham dự Hội nghị có thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự hội nghị qua cầu truyền hình trực tuyến. 

Từ hỗ trợ giảm nghèo tổng thể… 

Theo báo cáo tổng hợp tại hội nghị, thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 11,76% năm 2011 và 9,6% năm 2012, mục tiêu năm 2013 giảm còn 7,6%, bình quân mỗi năm giảm trên 2%. 

Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 50,97% năm 2011 và 43,89% năm 2012, bình quân giảm trên 7% mỗi năm. Mục tiêu năm 2013 giảm còn 38,89% (giảm 5%). 

Trong 2 năm 2011 - 2012, ngân sách Nhà nước đã bố trí gần 24.000 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên. Kết quả là 29 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 

Mỗi năm, ngân sách Trung ương bố trí gần 6.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho hơn 4 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số. 

Từ năm 2010 đến nay, đã có 1,087 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó lao động thuộc hộ nghèo chiếm 10,7%, cận nghèo chiếm 5,2%; lao động người dân tộc thiểu số chiếm 20,5%. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 40.000 người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, từ đó vươn lên thoát nghèo. 

Ngoài ra, trong 2 năm qua đã có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt. Tính đến 31/12/2012, có 1,9 triệu hộ gia đình được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên cho 2,3 triệu con em đi học, với dư nợ vốn khoảng 36.000 tỷ đồng. 

Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên nửa triệu hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. 

Cũng trong chương trình 30a, hàng loạt các chính sách đặc thù trong giao khoán, bảo vệ rừng; khai hoang mở rộng sản xuất; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xuất khẩu lao động; ưu đãi tín dụng; ưu tiên đào tạo, tuyển dụng và ưu đãi đối với cán bộ tại các huyện nghèo đã được triển khai thực hiện. 

… đến khuyến khích chủ động thoát nghèo 

“Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm 2011 - 2012 cả nước đã bố trí hơn 10.700 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước thực hiện cam kết hỗ trợ các huyện nghèo trong chương trình 30a với số tiền thực hiện trong năm 2012 đạt 300 tỷ đồng, lũy kế từ 2009 đạt trên 2.000 tỷ đồng. Trong 2 năm, ngân sách Trung ương bố trí cho các huyện nghèo là 6.840 tỷ đồng”.

Định hướng chính sách giảm nghèo chung trong năm 2013 và những năm tiếp theo được Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững xác định là giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, không gắn với điều kiện nhằm khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo.  

Đồng thời, sẽ mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Việc quy định thời gian hỗ trợ chính sách với hộ nghèo cũng sẽ được quay định cụ thể, nếu thiếu ý chí vươn lên, trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo sẽ tạm dừng việc hỗ trợ, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách. 

Bên cạnh đó, có cũng cần khắc phục hạn chế, vướng mắc trong triển khai chương trình giảm nghèo bề vững như: nguồn lực đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế; thiếu các chính sách tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp; việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững còn chậm… 

Các ý kiến thảo luận ban đầu tại hội nghị nhận định thẳng thắn về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa cụ thể, sâu sát, chưa  quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo. 

Việc bố trí vốn cho cơ sở hạ tầng thiếu tập trung, còn dàn trải, chưa đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn một số người nghèo nhưng thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng, thậm chí có tình trạng không muốn vươn lên để được giữ trong danh sách hộ nghèo. 

Các đại biểu cũng tập trung phân tích những vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, bài học rút ra trong quá trình triển khai ở cơ sở, giới thiệu những mô hình, cách làm tốt, sáng kiến hay. Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ tập trung phân tích để rút ra bài học cho thời gian tới, đề ra phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn tới.

Xuân Tuyến

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác