Thỏa mãn “cơn khát” vốn
Tin tốt lành đối với 14,6% hộ dân trên địa bàn tỉnh
Mục đích của Quyết định 15 là giúp các hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, bứt phá vươn lên thoát nghèo bền vững. Chương trình này loại trừ vay với mục đích phục vụ các yêu cầu thiết yếu của cuộc sống như sửa sang nhà cửa, phục vụ cho con em học tập từ cấp trung học phổ thông trở xuống, phục vụ các chi phí khác của cuộc sống…
Về lâu dài, chính sách này góp phần cải thiện dần các vấn đề về an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống… Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo có mức vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ, lãi suất bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Đây là cơ sở để nhiều hộ cận nghèo có vốn tập trung sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Theo kết quả điều tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Nghệ An hiện có trên 100 nghìn hộ cận nghèo. Nếu các hộ nghèo đã được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển sản xuất, cải thiện nhà ở… thì đến nay, hầu hết các hộ cận nghèo vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi từ nguồn vốn của NHCSXH.
Điều này tạo nên những mâu thuẫn vì trên thực tế, khoảng cách về thu nhập giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo không chênh lệch là bao. Nhiều hộ cận nghèo do không được vay nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã phải đến các ngân hàng thương mại để vay vốn phát triển sản xuất, một số hộ rơi vào cảnh khó khăn, quay lại với cảnh nghèo khó…
Thời điểm này lãi suất giữa chương trình tín dụng hộ nghèo và lãi suất của các Ngân hàng Thương mại không chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên, các hộ cận nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc không mất nhiều thời gian, chi phí làm thủ tục vay vốn; việc trả lãi suất, trả gốc thông qua hệ thống các Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ hết sức thuận tiện. Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ ra đời thực sự là một tin “tốt lành” với nhiều hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của NHCSXH tỉnh Nghệ An, nhu cầu vay vốn của các hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1.600 tỷ đồng. Mới đây, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị lên NHCSXH Việt Nam phân bổ chỉ tiêu cho năm 2013 là 750 tỷ đồng. Khi nguồn vốn rót về, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các huyện, NHCSXH tỉnh sẽ phân bổ cho các địa phương triển khai ngay việc cho hộ cận nghèo vay đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Làm tốt công tác tuyên truyền, linh hoạt trong phân bổ nguồn vốn
Về phương thức, thủ tục triển khai, việc thực hiện cho vay đối với hộ cận nghèo giống như cho vay đối với hộ nghèo, sẽ thông qua việc bình xét ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, bản, xã. Các đơn vị nhận ủy thác của NHCSXH cấp huyện sẽ triển khai việc bình xét, làm thủ tục cho vay, hộ vay vốn sẽ được tham gia các Tổ tiết kiệm và vay vốn giống như hộ nghèo lâu nay vẫn triển khai.
Việc phân bổ vốn vay về các địa phương của NHCSXH tỉnh Nghệ An chủ yếu căn cứ trên kết quả khảo sát trong tháng 2, 3/2013 của NHCSXH các huyện. Tuy nhiên, khi nguồn vốn chưa được đáp ứng một lần, việc phân bổ về các huyện như thế nào cho hợp lý cũng là một vấn đề nhạy cảm.
Ông Hoàng Lam Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Nghệ An có nhu cầu rất lớn về vốn vay phát triển sản xuất cho các hộ cận nghèo. Tuy nhiên, sẽ rất khó để NHCSXH Việt Nam đáp ứng cùng lúc nhu cầu ấy. Lâu nay, những hộ cận nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận các nguồn vốn sản xuất, kinh doanh thông qua các Chương trình 30a, Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng hộ cận nghèo tại các vùng đồng bằng vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi đáng kể nào. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu trong công tác phân bổ nguồn vốn, ngoài việc quan tâm các hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa thì phải quan tâm nhiều tới đối tượng này ở khu vực đồng bằng. Đến nay, công tác tuyên truyền, tập huấn lồng ghép thông qua các buổi giao dịch xem như đã hoàn tất. Nếu trong tháng 4 này có nguồn vốn rót về, chúng tôi sẽ triển khai ngay để các hộ cận nghèo sớm có vốn phục vụ sản xuất…”.
Chương trình cho vay từ nguồn vốn của NHCSXH sẽ tạo điều kiện cho nhiều hộ cận nghèo phát triển sản xuất, bứt phá làm giàu. Ngay từ khi ra đời, chủ trương này đã cho thấy những ưu việt về tính nhân văn. Tuy nhiên, để Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện một cách hiệu quả, đi vào lòng dân, tránh những mâu thuẫn xảy ra trong quá trình thực hiện, các cấp chính quyền, NHCSXH các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, phải thực sự công minh trong việc tổ chức bình xét…
Võ Văn Dũng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nặng lòng với nghề
- » Đổi thay ở vùng quê Anh hùng
- » Na Son phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Ngân hàng Nhà nước bác tin đồn đổi tiền
- » Đầu tư mạnh hơn cho giảm nghèo
- » Tăng dần các chính sách hỗ trợ gián tiếp cho hộ nghèo
- » Để người nghèo thực sự muốn thoát nghèo
- » NHCSXH nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trung ương
- » Chuyển hướng nuôi cá nước lợ ở Trà Cú
- » Vượt khó, làm giàu từ nuôi ong, trồng rừng