“Mở vốn” cho hộ cận nghèo

29/04/2013
(VBSP) Ngày 19/5/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn năm 2011 - 2020. Theo đó, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, phải đến đầu năm 2013 chính sách này mới có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Đối với địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 5, các hộ cận nghèo có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn.
1

Thông tin về cho vay hộ cận nghèo đã đến với bà con trong cả nước

 

Chuyện một hộ nghèo

Gia đình chị Đào Thị Tâm ở thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2009, được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, chị Tâm đã đăng ký vay vốn NHCSXH 7 triệu đồng đầu tư vào nuôi lợn nái và lợn thịt. Số tiền vay ban đầu không lớn nhưng lại giúp cho gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định và từng bước thoát khỏi đói nghèo. Đến nay, trung bình một năm trừ chi phí, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình cũng đạt khoảng 30 - 40 triệu đồng. Chị Tâm cho biết: Sau khi thoát nghèo, gia đình tôi cũng đứng trước nguy cơ không vay được vốn chính sách vì không có chế độ vay cho đối tượng cận nghèo. Rất may, được sự tư vấn của cán bộ NHCSXH gia đình tôi đã vận dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, không phải hộ gia đình cận nghèo nào cũng có thể vận dụng nguồn vốn này. Chính vì vậy, khi được biết NHCSXH đã có nguồn vốn cho hộ cận nghèo vay chúng tôi rất mừng vì không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ gia đình khác lại có thêm cơ hội để tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.

Qua tìm hiểu được biết, từ nhiều năm nay, đối tượng hộ cận nghèo chỉ có thể tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH thông qua một số chương trình mang tính chất lồng ghép vốn vay như cho vay học sinh, sinh viên; vay sản xuất, kinh doanh đối với vùng khó khăn. Điều này dẫn đến thực tế có rất nhiều hộ nghèo sau khi trở thành hộ cận nghèo không còn nguồn vốn nào để duy trì và phát triển sản xuất.

Để thoát nghèo bền vững

Đồng chí Nguyễn Xuân Hoà - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thực tế gần như 100% hộ nghèo sau một thời gian được vay vốn chính sách để phát triển sản xuất đã thoát nghèo, trở thành hộ cận nghèo. Một số hộ còn vươn lên ở mức khá. Trong nhiều năm, nợ xấu tại ngân hàng chúng tôi gần như không có. Thế nhưng cũng có rất nhiều hộ, sau khi thoát nghèo, vì không còn vốn duy trì sản xuất nên lại trở về thành hộ nghèo. Cũng có nhiều trường hợp hộ gia đình mới được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo thì kiên quyết không trả nợ vì nếu trả thì không có tiền duy trì sản xuất. Điều này gây khó khăn cho cán bộ ngân hàng khi thu nợ. Đối với các hộ cận nghèo, với hàng loạt nguyên nhân như mức thu nhập quá ít ỏi, nhu cầu vốn vay nhỏ, hiệu quả sử dụng vốn không cao, chi phí ngân hàng lớn, lãi suất theo thị trường, tài sản đảm bảo không có… chắc chắn rằng không một Ngân hàng Thương mại nào chấp nhận cho vay.

Mo-von-cho-ho-can-ngheo-2

Nhu cầu vốn vay để phát triển kinh tế là cần thiết đối với bà con

Theo số liệu thống kê của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có hơn 8.500 hộ cận nghèo, trong đó: số hộ cận nghèo có nhu cầu và điều kiện vay vốn là hơn 4 nghìn hộ. Nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo khoảng 70 tỷ đồng. Trong tháng 4/2013, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị NHCSXH Việt Nam cung ứng nguồn vốn này. Mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thoả thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Cụ thể, lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ cận nghèo vay vốn thoả thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Về điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo; rủi ro đối với các khoản nợ của hộ cận nghèo được thực hiện theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro của NHCSXH. Đồng chí Nguyễn Xuân Hoà, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: NHCSXH Việt Nam đã nhất trí với khái toán vốn vay hộ cận nghèo của Quảng Ninh. Như vậy, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh có thể yên tâm về nguồn vốn vay có đủ để cung ứng.

 

Hồng Nhung - Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác