Đất nghèo Tam Bình đã hồi sinh

04/05/2013
(VBSP) Xã Bình Ninh thuộc huyện Tam Bình (Vĩnh Long), là một vùng quê thuần nông, nghề phụ không có nên đời sống nông dân gặp khá nhiều khó khăn. Tuy vậy, từ sau khi được sự quan tâm đầu tư của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, miền đất nghèo này đã từng bước được hồi sinh.
Untitled-1

Vụ này, Tam Bình được mùa dưa vàng, ruột đỏ, không hạt

Ông Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Nguyễn Phúc Lững cho hay: Chúng tôi triển khai công tác tín dụng chính sách đến từng thôn ấp, từng hộ gia đình nghèo khó. Các hội, đoàn thể có chương trình phối hợp chặt trẽ với NHCSXH huyện để thực hiện việc cho vay vốn thuận lợi, đúng đối tượng và dân chủ minh bạch, đồng thời tích cực, tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả rõ rệt.

Cũng theo ông Chủ tịch xã thì hiện nay Bình Ninh có tổng dư nợ với NHCSXH huyện Tam Bình là 18,7 tỷ đồng. Số tiền đó chủ yếu được bà con sử dụng vào việc đắp đê bao không cho nước lũ tràn vào ruộng, vườn. Với 18 ô bao và 20km đê bao ngăn lũ đã giúp cho các hộ nông dân làm lúa 3 vụ trong năm và xây dựng các mô hình thâm canh cây màu trên ruộng lúa hè thu, trồng dưa không hạt, nuôi cá đồng, tôm càng xanh. Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn của các chương trình dự án khác đã được chính quyền xã tranh thủ và lồng ghép sử dụng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa, chất lượng cao.

Từ một vùng đất nhiễm phèn nặng ít có cây gì sống nổi nhưng nhờ các bao ô ngăn lũ và việc sử dụng vốn vay ưu đãi hợp lý, đúng lúc nên cây dưa hấu ngày nay đã trở thành cây chủ lực, cây làm giàu khắp xã Bình Ninh. Hàng trăm ha dưa hấu giống mới, vỏ vàng, ruột đỏ không hạt đã được trồng trên nền đất lúa. Thương hiệu dưa hấu Bình Ninh đứng vững ở thị trường trong tỉnh, sang Cần Thơ, lên tận TP. Hồ Chí Minh. Nhiều hộ nông dân thoát cảnh nghèo khó, do vậy vốn NHCSXH đầu tư đúng cách mua cây giống, vật tư phân bón cho thâm canh vườn dưa, ruộng dưa.

Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Huỳnh Hữu Phẫn cho biết thêm: “Cách đây 3 năm, được NHCSXH huyện Tam Bình đầu tư 5 tỷ đồng cho dự án chuyển đổi cây trồng. đưa cây màu xuống ruộng trong vụ hè thu, hơn 300 hộ nông dân nghèo xã chúng tôi đã sử dụng vốn vay mua cây giống, vật tư thiết yếu, cải tạo ruộng vườn trồng dưa hấu giống mới, loại dưa vỏ vàng không hạt vừa để tận dụng đất đai, vừa tạo thị trường tiêu dùng mới. Nhiều chân ruộng lúa, nhiều vườn tạp, vườn tràm hoang hóa trước đây được biến thành cánh đồng dưa hấu xanh tốt, năng suất cao, giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Ông Huỳnh Hữu Phẫn đã dẫn chứng hộ anh Liêu Minh Tâm ở ấp Kem Sắn là người dám nghĩ, dám làm. Nhờ 20 triệu đồng vay của NHCSXH, anh Tâm chủ động chọn dưa hấu để thay thế cây lúa năng suất thấp, trong khi nhiều người dân ở đây cũng sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chuyển đổi cây trồng nhưng chỉ chuyển sang luân canh các loại rau màu ngắn ngày như hành, dưa leo, bầu bí… Thời gian qua, mỗi năm anh Tâm trồng dưa hấu 3 vụ và sau 3 vụ, anh tiến hành san phẳng đất để ngập nước 20 ngày rồi lên liếp mới để trồng vụ thứ 4. Nhờ cách làm này nên ruộng dưa hấu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh mà lại nhanh thu lãi.

Bí quyết giúp anh Tâm thành công là ngoài việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật còn đầu tư công sức, tiền nong, kể cả đồng vốn vay của NHCSXH thật hợp lý, có kế hoạch phân bổ rõ ràng, vào từng khâu mua chọn giống tốt, vật tư phân bón chính hãng. Làm tốt các việc đó nên dưa hấu vụ nào của gia đình anh Tâm cũng bán được giá cao, thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua.

Học tập anh Tâm, gia đình chị Huỳnh Thị Nghĩa người cùng ấp Kem Sắn cũng sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH để sản xuất theo công thức luân canh đậu bắp + dưa leo trên diện tích 5.000m2 cho thu nhập mỗi năm 70 - 80 triệu đồng. Hiện chị Nghĩa vừa trả lại sổ nghèo, đạt danh hiệu thi đua “Nông dân, sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện”. Còn ông Trần Nhĩ, vợ đau ốm luôn, thiếu đất sản xuất nhưng được Hội Nông dân xã vận động bà con cho mượn 1.000m2 đất và bảo lãnh vay vốn ưu đãi để tham gia dự án trồng chanh hàng hóa, đến vụ thu năm 2012 đã có sản phẩm và bước đầu có thu nhập từ ruộng đồng. Đời sống gia đình ông cũng đỡ gieo neo, vất vả.

Rõ ràng, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH đang góp phần đổi thay vùng đất nghèo xa xôi của tỉnh Vĩnh Long.

Nguyễn Thị Má

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác