Tín dụng giải quyết việc làm: Hiệu quả lớn của đồng vốn nhỏ

04/05/2013
(VBSP) Nhờ đồng vốn tín dụng giải quyết việc làm được vay từ NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo được thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
600

Một góc trại gà của ông Nguyễn Trọng Hải - chủ trang trại chăn nuôi

Tín dụng giải quyết việc làm theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ (nay đã được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 15/2008/QĐ-TTg) được bắt đầu triển khai từ năm 2005. Từ đó đến nay, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân cho vay gần 170 tỷ đồng, với số lượt hộ được vay vốn khoảng 11.280 hộ, dư nợ bình quân chỉ khoảng 15 triệu đồng/hộ vay. Đây có thể nói là một số vốn quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư khởi nghiệp, tự tạo việc làm hoặc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong thực tế đã có nhiều hộ gia đình bắt đầu từ nguồn vốn ít ỏi này giờ đã vươn lên mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trường hợp của ông Nguyễn Trọng Hải - Chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng ở khối 1, thị trấn Phước An, huyện Krông Pak (Đắk Lắk) là một ví dụ. Từ số tiền 100 triệu đồng vay được từ NHCSXH huyện Krông Pak, ông Hải đã đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống… phục vụ chăn nuôi gà đẻ trứng. Sau 3 năm kể từ ngày vay vốn, trại gà của ông Hải đã trở thành một trong những trang trại có quy mô lớn của huyện, thường xuyên có từ 8 - 9 nghìn gà đẻ; mỗi ngày cung cấp ra thị trường chừng 4.500 quả trứng. Ngoài việc mang lại cho gia đình ông mỗi ngày một triệu đồng tiền lãi, trang trại còn góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động phổ thông tại địa phương với mức thu nhập trên ba triệu đồng/người/tháng. Ông Hải tâm sự: Số tiền 100 triệu đồng vay được không phải là lớn so với nhu cầu đầu tư vì thời điểm đó chỉ đủ để mua 500 gà con 1 tuần tuổi. Tuy vậy, số vốn này lại có ý nghĩa rất lớn đối với việc đầu tư của gia đình ông do được hưởng lãi suất ưu đãi - chỉ có 0,65%/tháng, thời hạn vay đến 3 năm nên áp lực về việc trả nợ gốc, lãi vay xem như không đáng kể. Đây là điểm mấu chốt giúp gia đình ông mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ gia đình tự tạo được việc làm, đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên mạnh mẽ chỉ sau một thời gian ngắn được vay vốn từ Chương trình tín dụng giải quyết việc làm này. Có hộ chỉ vay từ 10 - 15 triệu đồng để mua một, hai con bò sinh sản, sau vài năm chăm sóc, số bò có được đã tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn. Cũng có hộ vay chừng chục triệu đồng để chăn nuôi gà, vịt nhưng chỉ sau một vài năm “lấy ngắn nuôi dài”, nay quy mô đã mở rộng đáng kể. Qua tìm hiểu được biết, lãi suất tiền vay thấp và thời hạn cho vay dài là 2 yếu tố có ý nghĩa lớn nhất trong việc giúp người vay yên tâm làm ăn, quyết tâm đầu tư. Trước đây, những hộ này cũng chăm chỉ làm ăn nhưng do không có vốn, thường đi vay nóng bên ngoài với lãi suất khá cao, thời hạn vay lại rất ngắn, chủ yếu tính theo mùa vụ nên rất khó khăn. Có những lúc chưa đến vụ thu hoạch đã đến kỳ trả nợ, thế là phải lo vay của người này trả cho người kia, thậm chí bán non sản phẩm với giá rẻ. Chưa hết, khi việc sản xuất, chăn nuôi thuận lợi thì còn có thể trả được nợ vay, nếu không may xảy ra dịch bệnh, hạn hán thì nguy cơ mất vốn, nợ chồng lên nợ là rất lớn nên họ rụt rè, không mạnh dạn trong đầu tư làm ăn.

Cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi khác, tín dụng giải quyết việc làm đã và đang đem lại nhiều kết quả, góp phần tích cực vào việc xóa nghèo, nâng cao đời sống của người dân, nhất là những hộ sống ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà hệ thống các Ngân hàng Thương mại chưa vươn đến được. Nhiều hộ vay mong muốn Nhà nước xem xét, nâng mức cho vay lên cao hơn; tăng cường lồng ghép các chương trình cho vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; có biện pháp đào tạo nghiệp vụ thẩm định dự án cho cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể ở xã, qua đó giúp người dân có thêm điều kiện về vốn cũng như việc sử dụng đồng vốn được hiệu quả hơn.

Theo Báo Đắk Lắk

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác