Hỗ trợ đủ vốn cho nuôi tôm theo công nghệ mới
Đáng kể nhất là hiện toàn tỉnh có hơn 380 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, đầu tư nuôi 176ha tôm trên cồn cát (nuôi tôm trong ao cát lót bạt). Mô hình sản xuất theo công nghệ mới này mỗi năm nuôi đến 3 vụ, năng suất đạt từ 12 - 14 tấn/ha, doanh thu đạt đến 1 tỷ đồng/ha. Nuôi tôm theo công nghệ mới này còn hạn chế được rủi ro dịch bệnh, mưa bão.
Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dọc hơn 100km bờ biển của tỉnh từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh là những cồn cát trắng, bà con đã sử dụng vốn vay NHCSXH mua sắm vật tư, con giống tốt, phù hợp với công nghệ nuôi tôm trên ao cát lót bạt.
Ông Đậu Ngọc Vững, một hộ nuôi tôm điển hình ở xã Xuân Phú, huyện Nghi Xuân phấn chấn nói: “Đây là năm thứ hai gia đình tôi nuôi tôm bằng vay vốn ưu đãi của NHCSXH và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đạt hiệu quả rất cao với năng suất luôn đạt từ 12 - 15tấn/ha/vụ. Mỗi năm tôi nuôi tôm 3 vụ trên diện tích 0,6ha, doanh thu được 1,7 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tôi còn lãi hơn 400 triệu đồng”.
Mô hình nuôi tôm trên ao cát lót bạt ở Nghi Xuân còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng, có mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng/người.
Ở ven biển huyện Cẩm Xuyên, nơi đang có nhiều gia đình phất lên từ đồng vốn vay của NHCSXH thực hiện mô hình nuôi tôm trên cát. Chị Nguyễn Thúy Hường ở phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh đã mạnh dạn rời phố xuống biển để nuôi 3ha tôm trên ao cát. Chị Hường cho biết: 3 năm qua chịu khó lần mò vay mượn và học hỏi nghề nuôi tôm theo công nghệ mới, được địa phương và Trung tâm khuyến ngư của tỉnh quan tâm hướng dẫn, NHCSXH hỗ trơ vốn nên năng suất tôm mỗi vụ của gia đình chị đạt rất cao, 15 tấn/ha, doanh thu năm 2012 đạt khá cao, trừ chi phí, còn lãi 300 triệu đồng. Chị Hường khiêm tốn nói: “Nhờ vốn vay của NHCSXH mà gia đình tôi phát triển nghề nuôi tôm, xây dựng nhà 4 tầng và lo cho con cái học hành”. Đúng là nghề nuôi tôm đang thu bạc tỷ ở ven biển Hà Tĩnh.
Đánh giá về hiệu quả đầu tư vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm để nuôi tôm theo công nghệ mới. Giám đốc NCSXH tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho rằng: “Mô hình này mấy năm qua luôn cho những mùa tôm thắng đậm. Hiện tại NHCSXH đang tích cực tăng nguồn vốn để cho vay kịp thời phục vụ việc chuyển đổi 500ha ở các huyện ven biển để nuôi trồng thuỷ sản theo công nghệ mới, góp phần thực hiện mục tiêu của tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu năm 2013 đạt sản lượng tôm từ 10 - 12 nghìn tấn”.
Trần Khắc Cần
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phú Hiệp chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả
- » Chuộc sổ cho người nghèo
- » Tín dụng giải quyết việc làm: Hiệu quả lớn của đồng vốn nhỏ
- » Bình xét, xác nhận hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn
- » Đất nghèo Tam Bình đã hồi sinh
- » "Nhà 167" - động lực giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo
- » Mở đường cho ước mơ lớn
- » Tín dụng hộ cận nghèo - một quyết định hợp lòng dân
- » Thỏa ước mơ một sàn nhà cao hơn đỉnh lũ sông Lam
- » “Mở vốn” cho hộ cận nghèo