Chuộc sổ cho người nghèo

04/05/2013
(VBSP) Hậu Giang - một trong những địa phương có nhiều gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh... đã từng tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương. Sau giải phóng, những đối tượng chính sách được Nhà nước ghi nhận công lao bằng nhiều hình thức, trong đó cấp sổ lãnh tiền trợ cấp hàng tháng. Thế nhưng, do làm ăn thua lỗ, nợ nần…, hàng trăm sổ chính sách buộc phải đem đi cầm cố với lãi suất rất cao.
Untitled-4

Ông Trương Văn Kiên, thương binh 3/4, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) được vay vốn chuộc lại sổ

Cùng đường, cầm sổ thương binh

Gia đình ông Trương Văn Kiên, thương binh hạng 3/4, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, canh tác 5 công mía, mấy năm liền thất mùa cộng với giá mía thấp nên thua lỗ liên miên. Mỗi khi có việc chi tiêu trong nhà, đám tiệc hay chữa trị con gái bị nhiễm chất độc da cam hành hạ…, ông phải vay mượn xung quanh. Đời sống bà con ở Thạnh Mỹ C còn nhiều khó khăn nên ít người dư tiền mượn cho ông Kiên mượn. Càng lúc càng khó, năm 2007, ông Kiên đành mang sổ thương binh của mình, sổ thương binh của vợ và sổ trợ cấp chất độc da cam của con gái đi cầm cố 20 triệu đồng để lo cuộc sống.

Đồng cảnh ngộ trên, thương binh 3/4 Ngô Văn Giỏi, ở ấp Mỹ Thành A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Gia đình có 2,5 công ruộng làm quần quật quanh năm chỉ tạm đủ ăn. Khoảng năm 2007, tôi bị bệnh tai biến phải vào nằm viện mấy tháng trời. Nhà không có tiền tích lũy nên phải chạy khắp nơi hỏi nợ, tiền trị bệnh vẫn không đủ nên tôi buộc lòng đem sổ thương binh đi cầm 4 triệu đồng, lãi suất mỗi tháng 200.000 đồng để có tiền lo thang thuốc”.

Trường hợp bà Trần Thị Ngô, vợ thương binh Nguyễn Văn Đậu, ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, còn khó hơn. Vợ chồng nghèo, con đông nhưng không đất đai, nghề nghiệp… cuộc sống chủ yếu trông vào tiền trợ cấp thương binh hàng tháng của ông Đậu. Nhiều lúc quá túng thiếu, bà Ngô phải đem những bộ quần áo mới đi cầm với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng. Dần dần không ai thèm cầm nữa do quần áo ngày càng rẻ, trong khi lo gạo ăn, thang thuốc, cùng hàng loạt chi tiêu khác đều cần tiền. Hết đường xoay xở nên bà Ngô bàn với ông Đậu đem sổ thương binh đi cầm 20 triệu đồng, với lãi suất 6%/tháng.

Thương binh Lê Văn Dũng, ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, bộc bạch, khó quá nên mới lấy sổ thương binh đi cầm 30 triệu đồng để giải quyết việc nhà. Ban đầu chỉ nghĩ cầm cố khoảng vài tháng, cao lắm 1 năm chuộc lại, nhưng hơn 10 năm qua chưa thể chuộc được, trong khi hàng tháng phải đóng lãi 2,5 triệu đồng.

Chuộc sổ, việc làm ý nghĩa

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Hậu Giang, tình trạng cầm sổ chính sách không chỉ xảy ra ở huyện Phụng Hiệp mà các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy… đều có. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh tật, làm ăn thua lỗ, thất mùa, không còn sức lao động… khiến nhiều gia đình lâm cảnh cảnh khốn khó buộc đem sổ đi cầm.

Khảo sát sơ bộ của các ngành chức năng, toàn tỉnh Hậu Giang có 503 hộ chính sách cầm cố sổ với số tiền khoảng 4,3 tỷ đồng, lãi suất cầm cố dao động 4% - 20%/tháng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở LĐTB-XH phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh và các ngành chức năng cấp huyện, xã… kiểm tra thực tế và đề xuất phương án cho vay chuộc lại sổ chính sách cầm cố.

Phó giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang, Lăng Chánh Huệ Thảo nhìn nhận, thực tế có nhiều hộ đã trả lãi cao gấp 5 lần so với số tiền cầm cố nhưng chưa thể chuộc lại sổ được. Bởi về cơ bản gia đình đã khó khăn, giờ đem sổ chính sách đi cầm - đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính nên khó càng khó thêm. Vì vậy, chủ trương của UBND tỉnh dành nguồn kinh phí khoảng 6 tỷ đồng giúp các gia đình chính sách gặp khó khăn chuộc lại sổ là việc làm ý nghĩa, tính nhân văn sâu sắc. Tính đến tháng 4/2013, ngân hàng đã cho 373 hộ vay hơn 5,3 tỷ đồng chuộc lại sổ chính sách cầm cố, lãi vay chỉ 0,65%/tháng.

Ông Thảo cho biết, nếu như trước đây khi cầm cố sổ thì hàng tháng lãnh tiền, gia đình chính sách phải giao toàn bộ cho chủ cầm cố mà không được nhận đồng nào. Nay đối tượng được cho vay chuộc sổ chỉ nộp 70% khoản trợ cấp lãnh hàng tháng để trừ dần vào tiền vay, cộng với đóng lãi; số còn lại được lãnh về chi tiêu gia đình.

Ông Châu Minh Khải Hoàn, Chánh Văn phòng Sở LĐTB-XH tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Chính sách thoáng của tỉnh đã giúp hàng trăm hộ được vay vốn ưu đãi chuộc lại sổ thương binh. Nhiều hộ cứ ngỡ sẽ không bao giờ chuộc được sổ do số tiền cầm cố quá cao, trong khi lo cái ăn hàng ngày đã khó. Nhiều thương binh rơi nước mắt khi sổ về lại với chính chủ…”. Chương trình chuộc sổ chính sách mang nhiều ý nghĩa rất được ủng hộ, song vẫn còn hơn 130 hộ chính sách đã cầm cố sổ nhưng chưa được vay vốn. Bởi số tiền cầm cố quá cao, 30 - 40 triệu đồng/sổ trở lên, hoặc cầm bằng vàng… trong khi quy định mức cho vay cao nhất chỉ 20 triệu đồng/sổ, với thời hạn vay 5 năm.

Giải quyết việc này, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang cùng các ngành liên quan kiến nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh… xem xét nâng định mức cho vay chuộc sổ chính sách cao hơn, nhằm giúp những hộ còn lại có điều kiện chuộc sổ. Bên cạnh đó, bố trí thêm nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ các gia đình chính sách vượt qua khó khăn bởi thực tế còn nhiều phát sinh. Cần phải làm tới nơi tới chốn để chính sách đền ơn đáp nghĩa thật sự có ý nghĩa và đạt hiệu quả cao.

HUỲNH LỢI - NGUYỄN THANH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác