Ðể giảm nghèo thật sự bền vững

12/05/2013
(VBSP) Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội (các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội); tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa sâu sắc này.

Kết quả mới đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và huyện nghèo giảm nhanh hơn 7%/năm. Ðến nay, 29 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Ngoài ra, đã có hơn một triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt. Mỗi năm, ngân sách Trung ương bố trí gần 6 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn cho hơn 4 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, hơn 1 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có hơn 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong Chương trình 30a, hàng loạt các chính sách đặc thù trong giao khoán, bảo vệ rừng; khai hoang mở rộng sản xuất; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xuất khẩu lao động; ưu đãi tín dụng; ưu tiên đào tạo tuyển dụng và ưu đãi đối với cán bộ tại các huyện nghèo được triển khai, thực hiện một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo thời gian qua còn một số hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Ðó là, kết quả giảm nghèo thiếu vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ nghèo còn chiếm hơn 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng một phần sáu mức thu nhập bình quân cả nước.

Do đó, định hướng chính sách giảm nghèo chung trong năm 2013 và những năm tiếp theo là giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp nhằm khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo. Mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ðồng thời, việc quy định thời gian hỗ trợ chính sách với hộ nghèo cần được quy định cụ thể, bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách. Mặt khác, các Bộ ngành cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các chính sách giảm nghèo hiện hành, xác định các chính sách cần tiếp tục thực hiện; chính sách cần sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu ban hành các chính sách mới theo hướng mở rộng các đối tượng như: hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Các Bộ ngành và địa phương cũng cần quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nông thôn mới… Các tỉnh, thành phố cần lồng ghép các chỉ tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp địa phương mình; tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân và cộng đồng hiểu rõ nguyên tắc, cách thức triển khai chương trình về giảm nghèo; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện tốt việc giảm nghèo một cách bền vững. Ngoài ra, các Bộ ngành và địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chính sách, dự án giảm nghèo ở cơ sở; kịp thời báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương những bất cập, hạn chế để có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Hoài Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác