Vùng cát trắng, gió Lào đang từng bước đổi thay

12/05/2013
(VBSP) Gio Linh là một huyện nghèo, thuần nông của tỉnh Quảng Trị. Trong những năm qua từ những đồng vốn vay của NHCSXH, cộng với sức lao động bền bỉ, cần cù của người nông dân, vùng cát trắng, gió Lào đang từng bước đổi thay.

 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gio Linh, ông Hoàng Văn Lực cho biết: Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Gio Linh đã phối hợp với NHCSXH huyện thực hiện tốt Nghị định 78 của Chính phủ về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các cấp hội đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp và hợp đồng ủy thác với NHCSXH huyện. Cán bộ hội cùng với NHCSXH tổ chức thực hiện tốt 6 nội dung trong quy trình cho vay được ủy thác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tìm các biện pháp thu hồi nợ quá hạn góp phần tăng dư nợ. Tính đến nay, hội quản lý 60 tỷ đồng dư nợ, với 3.095 hội viên được vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay học sinh, sinh viên có dư nợ lớn nhất 25,1 tỷ đồng; tiếp đến cho vay hộ nghèo gần 16 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 8,1 tỷ đồng…

Để đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, Hội Nông dân huyện Gio Linh đã phối hợp với các ngành chức năng, như trung tâm khuyến nông, khuyến lâm; trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm với trên 10.200 lượt hội viên tham gia. Với cách thức “cầm tay, chỉ việc” cán bộ các trung tâm đã đến tận nơi hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn thông qua các dự án. Nhờ vậy, từ nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, 10 năm qua đã có 389 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, 42 hộ vươn lên làm giàu chính đáng, có thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.

Trong những năm gần đây, nhờ có nhiều nguồn lực, vốn cho vay của NHCSXH tăng, huyện Gio Linh đã tạo được chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Trên địa bàn huyện hiện có 32.500 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, như: nông - lâm - thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng… Trong đó, nhờ tích cực phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và phát triển nghề hấp sấy cá đã tạo công ăn việc làm cho hơn 3 nghìn lao động. Cụ thể, toàn huyện hiện có gần 3.200ha cây cao su tiểu điền, trong đó có trên 840ha đang khai thác, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động; 422ha tiêu, có 343ha đang cho thu hoạch, giải quyết việc làm cho 250 lao động. Ở các xã bãi ngang ven biển, phát triển nghề hấp sấy cá, với 128 lò hấp, trung bình mỗi lò tạo việc làm cho khoảng 18 - 25 lao động, thời gian làm việc liên tục 6 tháng/năm, qua đó giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động.

An Hướng là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn xã Gio An - miền tây Gio Linh. Cả thôn có 22 hộ nghèo/132 hộ, chiếm tỷ lệ 16,6%. Giúp nhau một cách thiết thực, chị hội Phụ nữ thôn đã phân loại hộ nghèo một cách cụ thể. Hộ nghèo vì neo người, chi hội vận động giúp ngày công. Những hộ có sức nhưng chưa biết cách làn ăn, hội mời tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật (chăm sóc cây hồ tiêu, cao su, kỹ thuật chăn nuôi bò, lợn…). Để tạo nguồn vốn giúp chị em phát triển sản xuất, kinh doanh, chi hội đã xây dựng mô hình tiết kiệm tín dụng, thu hút 65 chị em tham gia, tiết kiệm 10 nghìn đồng/tháng. Đến nay, đã tiết kiệm được 14,5 triệu đồng cho 8 chị em vay; tranh thủ Dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cho 2 chị vay 6 triệu đồng, chi hội đứng ra nhận ủy thác với NHCSXH, cho 22 chị em phụ nữ vay 330 triệu đồng. Góp gió thành bão, tập trung các nguồn lực xóa nghèo, thôn An Hướng chỉ còn 5/132 hộ nghèo, giảm 12,8% (so với 2010). Đã một thời thôn An Hướng chỉ có những ngôi nhà lá đơn sơ, nằm trên những quả đồi trơ trọi, nắng cháy. Ngày nay, cả thôn nằm giữa nhưng đồi cao su, hồ tiêu xanh ngắt, với những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ghé thăm chị Nguyễn Thị Liễu một hộ nghèo đơn thân, hàng ngày phải đi làm thuê để nuôi 3 con khôn lớn. Được hội tín chấp vay vốn NHCSXH chị đầu tư nuôi bò, trồng tiêu. Với kiến thức đã học được ở các lớp tập huấn, mỗi năm cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó gia đình chị đã thoát nghèo, xây được nhà kiên cố, các con chăm ngoan, học giỏi. Hai con lớn ra trường đã có việc làm ổn định, cô con gái út đang là sinh viên trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Quảng Trị. Cùng với An Hướng (Gio An), miền tây Gio Linh đang đổi thay từng ngày.

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác