Thoát nghèo giữa vùng đất

12/05/2013
(VBSP) Xã Phước Nam thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Thuận có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống và được ví như vùng "chảo lửa" giữa khu vực Nam Trung Bộ bởi đồng đất khô cằn, nắng gió quanh năm, do vậy việc phát triển thâm canh đồng ruộng rất khó khăn nên đời sống của người dân luôn thiếu trước, hụt sau.

 Xuất phát từ đó, lãnh đạo xã Phước Nam đã trăn trở tìm giải pháp nhằm đổi thay bộ mặt vùng quê “chảo lửa”. Cùng góp sức thực hiện chủ trương của địa phương là các chương trình, dự án như 134, 135 và đặc biệt với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã làm cho đất và người nơi đây có cơ hội vươn lên thoát cảnh nghèo khó bằng việc phát triển chăn nuôi dê, cừu, vì đây là những con vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khô nóng.

Tính đến nay, tổng dư nợ của xã Phước Nam với NHCSXH đạt 17,7 tỷ đồng với 6 Chương trình tín dụng ưu đãi; riêng cho vay hộ nghèo và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn chiếm 68% tổng dư nợ, trong đó: cho vay phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất là hơn 4 tỷ đồng với 598 hộ nghèo và đồng bào dân tộc Chăm có quan hệ tín dụng. Xác định ngành chăn nuôi đang là thế mạnh của vùng đất “chảo lửa”, từ đầu năm 2013 đến nay, NHCSXH đã chủ động tăng trưởng nguồn vốn, kịp thời giải ngân đến tận tay đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn chính sách.

Trường hợp anh Nguyễn Xem, người dân tộc Chăm ở thôn Nho Lâm được xem là một trong số điển hình về việc vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn đạt hiệu quả cao ở xã Phước Nam. Vào năm 2007, từ 10 triệu đồng vay của Chương trình hộ nghèo cùng một số ít vốn liếng của gia đình, anh Xem mua 15 con cừu giống và 5 con dê sinh sản. Nhờ chọn con vật nuôi thích hợp với khí hậu và cách chăm sóc chu đáo, nên chỉ 3 năm sau đàn dê, cừu đã sinh sản đều đặn mỗi năm 2 lứa, giúp gia đình anh có thu nhập, ổn định cuộc sống. Có tiền từ bán dê, cừu giống, anh Xem đã thanh toán hết nợ vay đợt đầu cho ngân hàng; đồng thời; xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế trang trại hàng hóa. Cùng thời gian này, NHCSXH huyện triển khai chương trình cho vay hộ gia đình sản suất, kinh doanh, anh Xem mạnh dạn làm đơn vay được 30 triệu đồng. Anh dồn hết vốn liếng, công sức mua thêm 50 con dê giống, 70 con cừu non và xây dựng mở rộng chuồng trại, chăm sóc chăn nuôi theo kỹ thuật.

Đúng như anh Xem tính toán, thời gian qua giá dê, cừu luôn ổn định và tăng liên tục. Cùng với đó, dê, cừu mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1 con và từ khi sinh sản đến khi xuất bán thịt chỉ khoảng 4 - 6 tháng là đạt trọng lượng trên 20kg/con. Sau khi trừ chi phí hao hụt, kể cả tiền công thuê 4 lao động chăn nuôi, với đàn dê, cừu 300 con sinh sản, mỗi năm anh Xem thu được cả trăm triệu đồng tiền lãi. Anh Xem bộc bạch: “Tôi đã đầu tư toàn bộ tiền vốn, công sức và cả cách thức làm kinh tế, có kế hoạch, có tính toán và áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ bệnh tật cho đàn dê, cừu để có được kết quả như ngày nay. Nuôi dê, cừu là hướng đi đúng ở vùng đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt và có lãi cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, mỳ cũng như chăn nuôi các con vật khác. Nhưng hiện tại gia đình tôi và bà con trong xã không tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi được bởi vì đồng cỏ không còn. Thời gian qua, nhiều diện tích đất đã được chuyển sang mở khu công nghiệp và sản xuất muối nên không còn đồng cỏ làm thức ăn cho dê, cừu, đành bó tay thôi”.

Rõ ràng, từ sự góp phần tiếp sức của NHCSXH, anh Nguyễn Xem và nhiều hộ dân nghèo ở vùng “chảo lửa” của tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên thoát nghèo, trở thành khá giả. Giá như đồng cỏ không bị thu hẹp thì những người như anh Xem chắc chắn sẽ còn giàu hơn nữa từ chăn nuôi gia súc.

Trần Văn Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác