Tăng cường tín dụng cho vùng Tây Nguyên - Đồng vốn đã đến với đồng bào

12/05/2013
(VBSP) Hệ thống ngân hàng đã và đang bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Theo đó, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng giúp nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc tại khu vực này.
Untitled-112.5

Hộ nghèo làm thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã Xuân Trường TP. Đà Lạt

Đồng vốn đã đến với đồng bào

Theo PGS.TS Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng, cùng với việc mở rộng của mạng lưới chi nhánh ngân hàng trong khu vực, vốn tín dụng đã đến được với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Tây Nguyên, xóa những xã “trắng” về quan hệ tín dụng đối với ngân hàng.

Nhiều hộ dân thoát nghèo

Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số vốn huy động trên địa bàn Tây Nguyên tính đến cuối năm 2012 là hơn 63.344 tỷ đồng, tăng 37,31% so với cuối năm 2011 và cao hơn mức tăng chung của cả nước. Tổng dư nợ tín dụng toàn vùng đạt 104.483 tỷ đồng, tăng 13,46%. Trong đó, cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 50,77% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và có mức tăng trưởng 27,8%.

Tính đến hết năm 2012, có gần 600 chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tín dụng cung cấp nguồn vốn, dịch vụ tài chính cho vùng Tây Nguyên.

PGS.TS Tô Ngọc Hưng cho biết: Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại phục vụ phát triển kinh tế, ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng chính sách nhằm xóa nghèo, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực. Địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 5 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, 56 Phòng giao dịch cấp huyện, 694 Điểm giao dịch cấp xã và gần 15 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đại diện Học viện Ngân hàng nhìn nhận: Hiện nay, vốn tín dụng chính sách đã đến tất cả các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên, giúp trên 41.703 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho gần 11.571 lao động có việc làm; trên 81.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng trên 143 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 54 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách và gần 2 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động.

Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng - TS.Nguyễn Thị Kim Thanh khẳng định: Giai đoạn 2001 - 2010, trên 30% số vốn đầu tư toàn xã hội của vùng được thực hiện qua hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Vốn tín dụng đến với khu vực Tây Nguyên không những phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần xóa nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tham gia vào các hoạt động tín dụng này phần lớn là các Ngân hàng Thương mại (NHTM) lớn và NHCSXH. Trong giai đoạn 2009 - 2012, tổng mức chi cho công tác an sinh xã hội là 272,1 tỷ đồng.

Theo NHNN, trong thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tăng cường cho vay đối với người nghèo và các đối tượng xã hội nhằm xóa nghèo và từng bước nâng cao đời sống của người dân trong khu vực; kết hợp lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình bảo đảm an sinh xã hội khác trên địa bàn.

Đại diện NHNN cho biết: Xuất phát từ quan điểm tạo dựng cho người nghèo cái cần câu hơn là đưa cho họ con cá, những năm qua NHCSXH đã triển khai 18 chương trình tín dụng tại các tỉnh Tây Nguyên gồm chương trình cho vay đối với hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi tường nông thôn, cho vay vùng khó khăn với hơn 222 nghìn lượt khách hàng được vay vốn và dư nợ đến cuối năm 2012 của 5 tỉnh trong vùng đạt gần 12 nghìn tỷ đồng.

Mở rộng mạng lưới tín dụng

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN, cho biết: Mặc dù, còn hạn chế nhưng nguồn vốn tín dụng ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được những tiềm năng, lợi thế trong vùng.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Tín dụng cũng cho rằng: Thời gian qua, các TCTD mặc dù đã tích cực mở rộng mạng lưới để cung ứng dịch vụ cho việc phát triển kinh tế vùng nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các TCTD trong khu vực một cách hợp lý, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để cung cấp vốn cho người dân; đầu tư cho các công trình trọng điểm của quốc gia, khu vực và các địa phương trong vùng. Không chỉ vậy, NHNN cũng khuyến khích các NHTM, đặc biệt là NHTM cổ phần, Ngân hàng nước ngoài mở rộng mạng lưới hoạt động tại khu vực này.

Minh Phương - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác