Làm tốt công tác ủy thác cho vay học sinh, sinh viên

14/05/2013
(VBSP) Trong tổng số 11 chương trình tín dụng ưu đãi mà Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã làm nhiệm vụ uỷ thác từ năm 2003 đến nay thì đáng kể nhất là chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; từ chỗ chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ trong 5 năm đầu thục hiện đến nay đã tăng lên đứng thứ 2, với dư nợ là 109 tỷ đồng...
Untitled-2

Hộ gia đình nhận vốn vay tại NHCSXH

Có sự tăng trưởng đột biến như vậy trước hết là nhờ những thay đổi lớn trong chính sách cho vay học sinh, sinh viên, đó là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, chương trình này được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc.

Ông Trần Văn Thạch - Chủ tịch Hội Nông dân cho biết tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 157: “Đối với các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, còn nhiều hộ gia đình khó khăn về kinh tế thì chương trình tín dụng ưu đãi này trước hết là một trong những biện pháp giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển, bổ sung nguồn nhân lực tri thức có chất lượng, bảo đảm an sinh xã hội”.

Theo ông Thạch, liên tục những năm qua, Hội Nông dân Vĩnh Long là một trong những cấp hội điển hình làm tốt công tác uỷ thác cho vay học sinh, sinh viên. Ngay từ khi có chính sách mới của Nhà nước về tín dụng học sinh, sinh viên, Hội Nông dân các cấp ở vùng quê sông nước này đã tích cực tham gia tập huấn triển khai việc thực hiện chương trình và tập trung tuyên truyền có kết quả về những chế độ, quy định, hướng dẫn trong vay vốn và sử dụng vốn ưu đãi. Hội cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc bình xét công khai các đối tượng vay vốn, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục trình UBND cấp xã phê duyệt, nên chỉ trong thời gian ngắn, vốn vay của chương trình đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các cấp hội ở huyện, xã nâng cao vai trò trách nhiệm đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, thời hạn; khi các gia đình học sinh, sinh viên có nhu cầu nộp lãi hàng tháng, hoặc muốn trả dần gốc trước thời hạn đều được Hội Nông dân tiếp nhận, đề xuất với NHCSXH giải quyết cho bà con. Thực tế ở Vĩnh Long cho thấy, phương thức cho vay của chương trình thông qua hộ gia đình là rất hiệu quả, thiết thực. Việc Hội Nông dân làm uỷ thác cho NHCSXH đã được tiến hành công khai, minh bạch, giảm được rủi ro, thất thoát; đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và của gia đình học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, một số xã vùng sâu, vùng có đông người dân tộc Khmer sinh sống, chưa thực hiện đầy đủ việc khảo sát, điều tra, lập danh sách bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính, nên vẫn còn một số ít hộ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Vì vậy, trong dịp triển khai việc rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo để thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, những hạn chế trên cần được khắc phục.

Về việc xác nhận cho các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở hội và chính quyền địa phương thực hiện chưa thống nhất, có nơi quá chặt chẽ, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo, xác nhận không đúng, do đó gây áp lực về nguồn vốn cho vay. Hơn nữa, nguồn vốn cho vay của chương trình từ Trung ương chuyển về địa phương còn chưa kịp thời nên có thời điểm, làm cho một số học sinh, sinh viên gặp khó khăn về tài chính để nộp tiền học phí cũng như các khoản trang trải khác cho học tập.

Để nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị NHCSXH cấp trên quan tâm, ưu tiên bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi để địa phương chủ động thực hiện cho vay học sinh, sinh viên theo kế hoạch được giao.

Thanh Hiền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác