Hiệu quả cánh đồng mẫu lớn ở Vân Sơn

12/05/2013
(VBSP) Vốn là xã thuần nông thuộc vùng bán sơn địa của huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) Vân Sơn người thì đông, hơn 2 nghìn hộ/7.500 nhân khẩu, nhưng chỉ có vẻn vẹn 407ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó: đất 2 vụ lúa là 328 ha nằm rải rác, manh mún, năng suất thấp.
Untitled-1

Hiệu quả từ mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đang góp phần đưa đời sống của người dân Vân Sơn sang một trang mới

Vậy làm sao để người dân thoát nghèo đây? Vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo địa phương là phải tìm giải pháp khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để áp dụng khoa học, kỹ thuật và đưa đồng vốn vay ưu đãi vào sản xuất, phát huy được hiệu quả cho người nông dân trên chính đồng đất của mình.

Hưởng ứng phong trào toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, Vân Sơn bắt tay thử nghiệm chuyển đổi 25ha đất lúa hiệu quả thấp sang trồng mía, sau một vài vụ nhận thấy đây là cây trồng hơp khí hậu, đất đai nên xã xây dựng dự án đầu tư vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với 115ha, được phân thành 4 vùng.

“Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lại được các ngành, nhất là NHCSXH hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi kịp thời, chúng tôi định hướng cho các tổ chức hội, đoàn thể và hộ nông dân nghèo dồn công sức, tiền vốn vay vào việc cải tạo, đồng ruộng, đầu tư mua giống cây trồng mới, vật tư phân bón phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu”. Ông Lê Quy Hảo - Chủ tịch UBND xã cho biết.

Cũng theo ông Hảo, toàn bộ diện tích đất chuyển đổi sang trồng mía sẽ được ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH và đầu tư khoa học, kỹ thuật, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất lâu dài. Được biết, 3 năm qua, dự án xây dựng vùng sản xuất chuyên canh mía theo hướng hàng hóa quy mô lớn ở xã Vân Sơn đã được NHCSXH hỗ trợ kịp thời 2,3 tỷ đồng, thu hút trên 500 hộ dân tham gia, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động dôi dư của địa phương có thu nhập ổn định từ 3,5 - 5,5 triệu đồng/tháng.

Chị Lê Thị Nga, ở thôn 7 phấn khởi cho biết: Gia đình chị có 6 sào đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây, sản xuất lúa năm nào được mùa thu hoạch cũng chỉ đạt 5 tạ/sào/năm, trừ chi phí may mắn lắm lãi được 1 - 1,5 triệu đồng là cùng, nhưng từ khi được vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay chuyển sang trồng mía giống mới, ngắn ngày, có hàm lượng đường cao, được nhà máy thu mua tại ruộng, nên 2 năm nay chị Nga có thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài chị Nga, hộ ông Lực, bà Hiến, chị Hương, anh Tuyển… cũng thoát nghèo khó, có của ăn của để, nuôi con ăn học nhờ sử dụng vốn vay chính sách thâm canh cây mía. Đáng biểu dương nhất về trường hợp anh Lê Tiến Tuyển vốn là một nông dân nghèo ở thôn 5, nay trở thành gương sản xuất giỏi, sử dụng vốn vay ưu đãi đạt hiệu quả cao nổi tiếng khắp tỉnh Thanh Hóa. Tháng 3 vừa rồi, anh Tuyển được NHCSXH tiếp thêm sức mạnh, cho vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm để xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 30ha. Anh chia xẻ: “Nông dân chúng tôi bước vào chuyển đổi cơ cấu và thâm canh cây trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, rất cần đến sự giúp đỡ của các ngành nông nghiệp, khoa học, công nghệ, nhất là NHCSXH làm bà đỡ về vốn liếng. Còn về khả năng cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất chắc chúng tôi cũng theo kịp với xã hội và có khả năng trồng mía tốt”.

Ông Đăng Minh Ân - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Với những hiệu quả ban đầu trên, dự kiến từ nay đến năm 2015, Vân Sơn đẩy mạnh công tác vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi và kỹ thuật thâm canh cây trồng, nâng cao diện tích trồng mía từ 200ha hiện tại lên 300ha. Đồng thời, duy trì đầu tư thâm canh 150ha lúa với các giống lúa chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh lương thực trên địa bàn.

Nguyễn Thị Má

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác