Đức Phổ khai thác tiềm năng

14/05/2013
(VBSP News) Từ một miền quê nghèo khó, nhờ biết vận dụng sức dân và các nguồn lực khai thác tiềm năng sẵn có, Đức Phổ trở thành huyện năng động phía nam tỉnh Quảng Ngãi, từng bước thoát nghèo và chung tay xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Văn Trung “gia đình vượt khó làm giàu” ở  xã Phổ Thạnh

Nguyễn Văn Trung “gia đình vượt khó làm giàu” ở xã Phổ Thạnh

Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi cho biết: Gần đây huyện Đức Phổ đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế và huy động mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất đã ra đời. Vùng lúa cao sản tập trung ở các xã Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Ninh. Hàng ngàn ha mía chuyên canh cho năng suất, lượng đường cao tập trung ở Phổ Phong, Phổ Nhơn. Đức Phổ đang tiến ra biển với mô hình xã Phổ Thạnh. 2/3 dân số sống bằng nghề biển, toàn xã có 927 tàu, thuyền lớn, nhỏ có tổng công suất 166 ngàn CV. Ông Võ Thu, là một trong số hàng trăm ngư dân ở đây đang làm chủ 2 con tàu, công suất 250 CV/chiếc, thường xuyên bám biển Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi chuyến ra khơi xa, trừ chi phí ông thu về hàng trăm triệu đồng. Cùng với đoàn tàu ra khơi, nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã ra đời, hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tổ chế biến cá khô ở thôn Thạnh Đức 2 là một ví dụ. Tổ có 10 chị em hùn vốn, thông qua Hội Phụ nữ, tổ được vay trên 100 triệu đồng từ NHCSXH. Bình quân cơ sở xuất khoảng 5 tạ cá khô/ngày. Bám vào nghề này, đời sống của chị em trong tổ ngày một khá hơn, với mức thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ngày, nhiều chị em như chị Cao Thị Hạnh - chồng đi bạn (làm thuê) cho chủ tàu, đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.

Phổ Thạnh là xã đồng bằng, ven biển. Xã có 9 thôn, duy nhất có thôn Đồng Văn với hơn 500ha đất tự nhiên - chủ yếu đồi núi. Nếu 8 thôn làng chài đang thể hiện rõ cách làm giàu từ kinh tế biển, thì Đồng Văn là thôn điển hình của huyện Đức Phổ về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cả thôn có gần 100 hộ, gần một nửa đã rời quê đi kiếm sống ở nơi khác. Những hộ ở lại tìm cách thoát nghèo, bằng cách trồng rừng, chọn một số hộ có kinh nghiệm, ưu tiên vốn vay từ NHCSXH phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Từ những kết quả ban đầu, nhiều hộ học tập cách làm của các hộ đi trước, vay vốn giải quyết việc làm nuôi bò sinh sản, rồi nuôi vỗ béo với quy mô đàn hàng chục con. Khi chăn nuôi bò đạt hiệu quả, nhiều hộ lại phát triển thêm nghề nuôi dê. Cả bò và dê nguồn thực phẩm luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho xóm núi Đồng Văn thoát nghèo bền vững.

Đức Phổ còn có nghề muối ở Sa Huỳnh đã có hàng trăm năm nay, được công nhận thương hiệu và đang nuôi sống 600 hộ diêm dân. Hiện nay, đồng muối có diện tích hơn 116ha, được địa phương đầu tư đắp hàng ngàn mét đê biển và cải tạo phần lớn diện tích để sản xuất muối chất lượng cao.

Theo đánh giá của bà Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, 10 năm qua NHCSXH huyện Đức Phổ đã đóng góp nguồn lực tích cực cùng huyện xóa nghèo, góp phần tạo nên chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đến nay, ngân hàng đã xây dựng được mạng lưới Điểm giao dịch tại 15 xã, thị trấn và quản lý nguồn vốn trên 191 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay đạt gần 285,4 tỷ đồng với 14.139 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ trên 123,5 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp 4.248 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 2.794 lao động, trên 5.730 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập…

Tỷ lệ hộ nghèo của Đức Phổ trong những năm qua tuy đã giảm đáng kể, nhưng hiện vẫn còn 12,96%. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, NHCSXH huyện Đức Phổ đang tích cực tìm lời giải cho bài toán: giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện cửa ngõ phía nam tỉnh Quảng Ngãi trong những năm tới.

Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác