Hương Sơn nuôi hươu truyền thống
Hương Sơn là huyện miền núi biên giới nhưng đây lại là nơi có lợi thế rất lớn về chăn nuôi, trong đó: hươu sao là một trong hai con vật nuôi nổi bật nhất.
Đến thăm trang trại của gia đình anh Phan Văn Tuất ở xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm đúng lúc anh cho đàn hươu ăn. Nhìn 20 con hươu béo khoẻ đang mải miết gặm cỏ có thể thấy nó đã mang lại thu nhập cho gia đình anh lớn đến mức nào.
Theo anh Tuất, trước đây gia đình anh chủ yếu sống bằng nghề chài lưới đánh bắt cá dọc sông Ngàn Phố, do gặp khá nhiều rủi ro về thời tiết, nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt nên cũng chỉ đủ ăn, trong khi đó một số hộ trong thôn có nghề truyền thống nuôi hươu, trồng cây ăn quả nên cuộc sống khá giả, gia đình anh Tuất muốn phát triển nghề nuôi hươu nhưng do chi phí cao, không có vốn nên cũng chỉ biết ngồi nhìn người khác làm kinh tế mà thôi. Tuy nhiên, từ năm 2009, NHCSXH có chủ trương cho người dân vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm để chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nhận thấy cơ hội đã đến, gia đình anh Tuất quyết định tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân và làm đơn xin vay vốn chính sách. Anh kể: Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện đã về tận xã giải ngân cho gia đình anh cùng nhiều hộ khác trong thôn, xóm và gia đình anh được vay 30 triệu đồng với lãi xuất ưu đãi.
Có đồng vốn trong tay, anh đã xây dựng chuồng trại, mua hươu giống về nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay gia đình anh thu hoạch được 8kg nhung, bán với giá bình quân 12 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi trên 50 triệu đồng. Bên cạnh phát triển chăn nuôi hươu lấy nhung, anh Tuất còn cung cấp hươu giống cho các hộ dân trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH có lẽ gia đình tôi sẽ mãi mãi không thoát nghèo được”. Anh Tuất khẳng định.
Tương tự như nhiều gia đình khác trong huyện, hộ ông Ngô Xuân Vinh ở xã Sơn Mai đã sử dụng vốn vay ưu đãi chăn nuôi đàn hươu với số lượng 16 con (9 con đực, 7 con cái), hàng năm thu nhập tới 100 triệu đồng. Ông Vinh kể: “Nhà tôi nuôi hươu từ trước năm 2000, tuy vậy những năm đầu không có vốn nên cũng chỉ nuôi nhỏ lẻ, cho hươu ăn tạp, nhưng từ khi NHCSXH cho vay vốn ưu đãi nên tôi bắt đầu mở rộng quy mô chuồng trại, trồng được 5 sào cỏ VA06 là thức ăn thích hợp cho hươu, từ đó cũng tạo công việc làm và thu nhập ổn định cho cả gia đình”.
Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh cho biết: “Thành công của việc đầu tư vốn tín dụng chính sách với việc phát triển nghề nuôi hươu theo hướng thâm canh đã khẳng định được tác dụng hoạt động của NHCSXH ở địa bàn huyện miền núi biên giới. Đây là động lực mở ra hướng đi mới, xóa nghèo bền vững và làm giàu nhanh để huyện thực hiện thành công đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới”.
Theo ông Trinh, sau khi xây dựng lộ trình triển khai nông thôn mới, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa chủ lực, trong đó: chú trọng chăn nuôi lợn, hươu sao và bò zebu. Và để hỗ trợ kịp thời cho các xã, thôn, hộ dân xây dựng, nhân rộng các mô hình; ngoài chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện kịp thời ban hành một số cơ chế khuyến khích như: tăng cường tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu phục vụ chăn nuôi, còn phải kể đến vai trò không thể thiếu được là việc tăng nguồn vốn ưu đãi và nâng cao chất lượng nguồn vốn vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn huyện miền núi biên giới Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Trần Văn Đởng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Kết quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn Nhĩ Thượng
- » Đức Phổ khai thác tiềm năng
- » "Cần câu" để hộ cận nghèo phát triển sản xuất
- » NHCSXH quận Ba Đình: Cây "gậy" của người khiếm thị
- » Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ở Cao Bằng đạt 1.282 tỷ đồng
- » Làm tốt công tác ủy thác cho vay học sinh, sinh viên
- » Hiệu quả cánh đồng mẫu lớn ở Vân Sơn
- » Cựu chiến binh Lộc Bình thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tăng cường tín dụng cho vùng Tây Nguyên - Đồng vốn đã đến với đồng bào
- » 8.481 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Quảng Ngãi được vay vốn