Quảng Ninh: “Bà đỡ” nghề rừng ở Ba Chẽ
Nói như anh Nguyễn Văn Nam, một chủ rừng ở xã Nam Sơn: Thì NHCSXH là “bà đỡ” của chúng tôi. Bởi ngay từ khi có dự án phát triển kinh tế rừng chúng tôi được ngân hàng tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng là cơ sở, tiền đề để chúng tôi lập nghiệp. Còn đối với người dân nghèo thì việc được vay 30 triệu đồng còn giúp họ giải quyết khâu rất căn bản trong công tác đầu tư ban đầu. Để rồi từ đó người dân có cơ sở để lấy ngắn nuôi dài, vừa trồng, chăm sóc rừng vừa khai thác lâm sản phụ để bù đắp chi phí.
Thực tế những năm gần đây, NHCSXH huyện Ba Chẽ dành đến 80% nguồn vốn vay cho các hộ gia đình vay vốn phát triển rừng. Cụ thể, hiện trong tổng số gần 3.000 gia đình vay vốn với tổng dư nợ trên 52 tỷ đồng của ngân hàng thì có đến gần 2.200 gia đình vay vốn để phát triển rừng với tổng dư nợ khoảng trên 30 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm đơn vị giải quyết cho 200 đến 300 hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phát triển rừng.
Lãnh đạo NHCSXH huyện Ba Chẽ khẳng định: “Xác định với điều kiện của huyện thì các mô hình kinh tế rừng mới có thể mang lại nguồn thu cao và ổn định cho người dân nên chúng tôi dành ưu tiên số 1 cho các dự án phát triển rừng. Tất cả các hồ sơ vay vốn về rừng chỉ cần đúng đối tượng là chúng tôi giải quyết cho vay ngay. Thậm chí một số hộ dân trình độ dân trí thấp, khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục vay vốn thì cán bộ sẽ hỗ trợ giúp họ hoàn thiện thủ tục”. Bên cạnh việc cho vay vốn, NHCSXH huyện còn tạo điều kiện cho người dân được vay vốn trong thời gian tối đa, với lãi suất ưu đãi; được tham gia ngay các chương trình vay vốn khác sau khi đã hoàn trả vốn vay cũ…
Anh Thân Đức Hải, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện cho biết thêm: “Một chu kỳ rừng kéo dài ít nhất 7 năm nhưng theo quy định thì các khách hàng chỉ được vay trong khoảng 3 năm, tuy nhiên, để hỗ trợ cho bà con chúng tôi tìm cơ chế để có thể cho vay tối đa trong thời gian 5 năm mới phải hoàn trả 100% gốc và lãi. Đồng thời, đối với những trường hợp đặc biệt cụ thể, chúng tôi còn có thể ra hạn từ 1 đến 2 năm. Như vậy, với lãi suất ưu đãi mà người vay vốn tại NHCSXH đang được hưởng như hiện nay thì việc kéo dài thời gian vay vốn trong vòng hơn 2 năm đã làm lợi cho người vay một khoản đáng kể, ngoài ra còn giúp họ an tâm để sản xuất.
Đáng phấn khởi là từ những hoạt động hỗ trợ các chủ rừng vay vốn phát triển sản xuất của NHCSXH huyện Ba Chẽ đã giúp các chủ rừng phát triển kinh tế hiệu quả. Việc này thể hiện ở kết quả hàng nghìn hộ trồng rừng đến nay đã có thu nhập tương đối tốt, trong đó: nhiều hộ đạt mức thu vài trăm triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ trồng rừng có thu nhập cao: Nguyễn Văn Bình, Hà Văn Minh, Lại Văn Minh (xã Nam Sơn); Triệu Quang Lịch (xã Đồn Đạc); Hoàng Minh Thuý (xã Thanh Lâm); Hoàng Thị Oanh (xã Minh Cầm); Bàn Văn Ba (xã Lương Mông)… Đặc biệt, đến thời điểm này các dự án vay vốn phát triển rừng của người dân không có nợ xấu, nợ khó đòi.
Có thể thấy, huyện Ba Chẽ với đặc trưng diện tích rừng và đất có rừng chiếm đến 90% diện tích tự nhiên, người dân hầu như đều sống nhờ vào rừng thì các hoạt động hỗ trợ vay vốn cho các chủ rừng trồng và chăm sóc cây rừng, phát triển kinh tế rừng của NHCSXH hết sức ý nghĩa.
Bài và ảnh Thanh Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHNN ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông với Báo Lao động
- » Đẩy mạnh đổi mới công nghệ ngân hàng; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành; Phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử
- » NHNN khai mạc Hội thảo - Triển lãm Banking Việt Nam 2013
- » Chính sách tín dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội
- » Vui đón nước sạch về bản
- » Kinh nghiệm quản lý vốn vay ưu đãi ở bản người Dao
- » Giảm nghèo vượt chỉ tiêu
- » Hương Sơn nuôi hươu truyền thống
- » Kết quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn Nhĩ Thượng
- » Đức Phổ khai thác tiềm năng