Vốn tín dụng học sinh, sinh viên nơi địa đầu Tổ quốc
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn, ngay sau khi có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã tranh thủ sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối kết hợp với các ban ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhanh chóng triển khai các biện pháp, kế hoạch để làm sao đưa đồng vốn đến tay người dân nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Theo đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã có văn bản chỉ đạo rộng rãi đến các địa phương tiến hành tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân thông qua các tổ chức chính trị, tổ dân phố, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương. Đồng thời, tăng cường triển khai nhiều biện pháp để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động uỷ thác với các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ giao dịch lưu động và Điểm giao dịch tại xã.
Đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã có mạng lưới cơ sở dày đặc với trên 3.250 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín các thôn, bản trong toàn tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà các hộ vay vốn đã có ý thức trách nhiệm trong việc trả lãi và gốc đúng hạn.
Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng, đơn vị còn thường xuyên phối hợp cùng các ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra thông qua nhiều kênh và hình thức khác nhau.
Sau 5 năm triển khai, đến nay, doanh số cho vay chương trình tín dụng HSSV của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đạt 82,8 tỷ đồng/9.667 lượt hộ vay, doanh số thu nợ 17,536 tỷ đồng. Dư nợ tính đến hết năm 2012 đạt 65,2 tỷ đồng với 4.861 hộ còn dư nợ/5.336 HSSV được vay vốn. Trong đó, tập trung vào đối tượng hộ nghèo với số dư nợ lên tới 35.507 triệu đồng, với 2.935 hộ, chiếm 53,54% tổng số hộ đang vay vốn.
Với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do thiên tai, bệnh tật, hỏa hoạn dư nợ đạt 23.203 triệu đồng với 1.987 hộ, chiếm 36,2% tổng số hộ vay.
Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi mà hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn tự tin bước vào trường đại học, cao đẳng thực hiện ước mơ của mình. Trong số này, không ít em sau khi học xong đã tự xin được việc làm với mức thu nhập cao và đã trả được nợ.
Gia đình ông Nguyễn Đức Toàn, ở tổ 7, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang là một điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Quê gốc ở Phú Thọ, hai vợ chồng ông lên Hà Giang làm công nhân, sau đó ở lại lập nghiệp. Là dân di cư nên vợ chồng ông không có đất canh tác, hai vợ chổng phải đi làm thuê làm mướn nhưng thu nhập chẳng được là bao.
Khó khăn càng chồng chất khi cả hai người con đều vào học trường Cao đẳng Công nghiệp hóa chất Phú Thọ, vợ chồng ông phải chạy vạy vay mượn anh em họ hàng để có tiền cho con ăn học. May mắn thay, người con đầu nhập học được hơn 2 tháng thì có Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ nên đã giải quyết được phần nào khó khăn cho gia đình. Giờ đây, cả hai người con của ông đã học xong, có việc làm ổn định ở Hà Nội, mỗi tháng hai anh em đều dành dụm tiền gửi về cùng bố mẹ trả nợ ngân hàng. Ông Toàn tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thì vợ chồng tôi không biết xoay xở thế nào. Giờ hai cháu đều có việc làm, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm”.
Theo ông Hà Quốc Quân - Phó giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang, từ khi triển khai thực hiện chương trình 157, hàng nghìn HSSV trong tỉnh đã được tiếp sức tới trường thực hiện ước mơ của mình, nhiều em ra trường tìm được việc làm ổn định. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh gần như không còn trường hợp nào không được tới trường vì hoàn cảnh khó khăn.
Hoàng Đình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giảm nghèo ở Phượng Tiến
- » Giúp người dân tại tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo
- » Ấn tượng NHCSXH ở tỉnh Lâm Đồng
- » Thế vươn mình ở một xã bãi ngang
- » Góp phần đắc lực thực hiện “an sinh xã hội”
- » Hiệu quả từ phối hợp ủy thác vay vốn
- » Giảm chính sách "cho không", tăng hỗ trợ sản xuất
- » Quảng Ninh: “Bà đỡ” nghề rừng ở Ba Chẽ
- » NHNN ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông với Báo Lao động
- » Đẩy mạnh đổi mới công nghệ ngân hàng; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành; Phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử