Thoát nghèo, có tích luỹ

20/06/2013
(VBSP News) Hàng trăm hộ nông dân ở thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đã thoát nghèo, làm được nhà ở, con cái được học hành; nhiều hộ vươn lên làm giàu với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ vốn vay ưu đãi đầu tư nuôi ba ba đặc sản, gia đình ông Phạm Tất Đạt đã thu nhập trên 100 triệu đồng/năm

Từ vốn vay ưu đãi đầu tư nuôi ba ba đặc sản, gia đình ông Phạm Tất Đạt đã thu nhập trên 100 triệu đồng/năm

Đó là hiệu quả từ sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Trong số những hộ này phải kể tới gia đình ông Phạm Tất Đạt ở thôn Đồi Cao, xã Yên Bình.

Thu không dưới 100 triệu đồng/năm.

Nghỉ hưu, đồng lương hưu ít ỏi, vợ không có lương, 3 con đang tuổi ăn học, gia đình ông Phạm Tất Đạt chủ yếu trông vào hơn một sào ruộng. Gia đình ông từng được biết đến là một trong những hộ nghèo của xã Yên Bình.

Ông Đạt chia sẻ: “Năm 2009, gia đình tôi được NHCSXH thị xã cho vay 20 triệu đồng cùng với sự giúp sức của chính quyền xã và bà con, bạn bè, tôi đầu tư vào 1.500m2 mặt nước ao để nuôi ba ba. Sau một thời gian thả nuôi ba ba giống và ba ba thương phẩm, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm tôi xuất bán hàng ngàn con ba ba giống chất lượng cao cho người nuôi ba ba trong và ngoài tỉnh. Cùng với bán ba ba thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động của địa phương.

Cùng xã với ông Đạt, gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hiên cũng được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng. Bà Hiên cho biết: “Có tiền, tôi đầu tư nuôi lợn thương phẩm. Hiện, mỗi năm gia đình tôi thu nhập không dưới 100 triệu đồng”.

Không chỉ gia đình ông Đạt, bà Liên mà còn có hàng trăm hộ nông dân nghèo ở thị xã Tam Điệp đã được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ đồng vốn vay ưu đãi.

Sử dụng vốn đúng mục đích

“Được vay vốn ưu đãi, tôi đầu tư nuôi lợn thương phẩm. Hiện, mỗi năm gia đình tôi thu nhập không dưới 100 triệu đồng” - Bà Nguyễn Thị Minh Hiên.

Mỗi hộ vay vốn tùy vào điều kiện của gia đình mà lựa chọn những phương thức phát triển kinh tế riêng. Hộ có đất thì thực hiện trồng trọt kết hợp chăn nuôi, hộ gần đường thì phát triển kinh doanh, buôn bán. Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc NHCSXH thị xã Tam Điệp cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể nhận ủy thác kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ. Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn có hiệu quả, đến kỳ trả lãi và gốc đầy đủ. Tình trạng nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ ở mức 0,2%…”.

Ông Hòa thông tin thêm, dư nợ 7 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn thị xã Tam Điệp tính đến tháng 15/6/2013 là hơn 120 tỷ 250 triệu đồng. Trong đó: dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo trên 28 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh, sinh viên hơn 63 tỷ đồng; chương trình làm nhà ở (chương trình 167) 120 triệu đồng; vốn vay giải quyết việc làm trên 5 tỷ đồng…

Theo ông Hòa, vốn ưu đãi đến tay hộ nghèo đúng lúc đã giúp họ yên tâm sản xuất, kinh doanh. Song, không phải giải ngân là xong mà trong quá trình những hộ nghèo sử dụng nguồn vốn luôn được cán bộ NHCSXH thị xã và cán bộ các đoàn thể địa phương, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn theo dõi sát sao. 

 

Bài và ảnh Đăng Quang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác