Gỡ “nút thắt” về vốn

18/06/2013
(VBSP News) Trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, có một số tiêu chí mà Tiền Hải cũng như nhiều địa phương khác ở Thái Bình khó thực hiện là giảm tỷ lệ hộ nghèo, việc làm và thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa nhà dột nát... do gặp phải "nút thắt" về vốn. Tuy nhiên, nhờ sự chung tay góp sức của NHCSXH huyện mà "nút thắt" dần được tháo gỡ.
Từ nguồn vốn ưu đãi, các hộ dân ở Thái Bình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết cho nhiều lao động nông nhàn

Từ nguồn vốn ưu đãi, các hộ dân ở Thái Bình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết cho
nhiều lao động nông nhàn

Theo điều tra, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Tiền Hải khoảng 6%, nơi cao nhất gần 10% (bình quân 8,46%). Để có được con số đáng kể đó, các xã, thị trấn trong huyện phải nỗ lực không ngừng, trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH. Theo đó, tổng doanh số cho vay đến hết tháng 5/2013 của đơn vị đạt hơn 221 tỷ đồng, với 30.254 lượt hộ nghèo được vay vốn, bình quân mỗi hộ vay 15 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có của ăn của để.

Ông Trần Xuân Đằng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lộc Trung, xã Nam Hưng cho biết: “Tổ Lộc Trung có 49 lượt hộ nghèo được vay 948,15 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ đã mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Hiền vay vốn đầu tư vào mô hình kinh tế VAC, đưa mức thu nhập đạt bình quân 3 triệu đồng/người/tháng; chị Nguyễn Thị Hạnh vay vốn đầu tư cơ sở may mặc, giải quyết việc làm cho 30 lao động…”.

Theo ông Lê Duy Nguyên - Chủ tịch UBND xã Vũ Lang, cùng với sự cố gắng bền bỉ của Đảng bộ và nhân dân trong xã, cộng với việc NHCSXH huyện quan tâm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất nên tốc độ tăng trưởng kinh tế đến tháng 5/2013 của xã đạt trên 13,5%, tỷ lộ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1 %.

Không riêng gì chương trình cho vay hộ nghèo mà thời gian qua, NHCSXH huyện Tiền Hải còn cho 642 lượt hộ vay vốn phát triển ngành nghề tại địa phương. Từ nguồn vốn này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã phát triển rõ rệt, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, trong đó: phải kể đến doanh nghiệp Phương Anh, một đơn vị đang duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài huyện. Không chỉ giúp địa phương cân đối lực lượng lao động, doanh nghiệp này còn nộp cho Nhà nước từ 1,5 - 2 tỷ đồng tiền thuế/năm.

Gần đây, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được NHCSXH huyện Tiền Hải quan tâm. Theo đó, đến hết tháng 5/2013, đơn vị đã cho 9.911 hộ của 32 xã, thị trấn vay 56,097 tỷ đồng; góp phần đưa số hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn đạt 85 - 90%; tỷ lệ hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn là 65 - 70%.

Trước năm 2005, Tiền Hải là một trong số huyện có tới hàng ngàn căn nhà dột nát, nhờ có nguồn vốn tín dụng của NHCSXH mà hơn 1.040 hộ đã được vay vốn (tổng cộng 8,328 tỷ đồng) để xóa nhà dột nát… Tiền Hải phấn đấu đến năm 2015 có trên 10 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt nông thôn mới vào năm 2013 và 34/34 xã đạt nông thôn mới vào năm 2020. Để hoàn thành được mục tiêu chung đó, NHCSXH huyện Tiền Hải đã đề xuất một số kiến nghị:

Một là, đề nghị NHCSXH Việt Nam nâng mức đầu tư cho vay phù hợp với quy mô và sự trượt giá hiện tại;

Hai là, đề nghị huyện dành một phần ngân sách từ các khoản tiết kiệm chi để bổ sung vào nguồn vốn cho vay;

Ba là, tiếp tục rà soát hộ nghèo, điểu chỉnh, bổ sung kịp thời để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH;

Bốn là, bên cạnh việc đưa vốn đến tận tay đối tượng, hướng dẫn sử dụng có hiệu quả vốn vay; thu hồi vốn, lãi đúng kỳ, đủ doanh số, các dịch vụ uỷ thác phải làm tốt công tác huy động vốn thông qua tiền gửi tiết kiệm;

Năm là, chính quyền các xã làm tốt công tác rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo để đồng vốn được quay vòng nhanh, hiệu quả…

Bài và ảnh Phan Lợi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác