“Không có vốn ưu đãi, chưa biết khi mô thoát nghèo”

19/06/2013
(VBSP News) Chị Nguyễn Thị Thu xóm 13B, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) chia sẻ với chúng tôi như vậy, bởi, từ những đồng vốn nhỏ của NHCSXH, gia đình chị đã trồng cam, đã trả được nợ, con cái được đi học đại học, nhà đã thoát được cảnh thiểu thốn bao năm không lối thoát trước đây...
Cán bộ NHCSXH giao dịch với người dân tại xã Nghĩa Yên

Cán bộ NHCSXH giao dịch với người dân tại xã Nghĩa Yên

 “Không có vốn chính sách, không biết khi mô hết nghèo”

Huyện miền núi Nghĩa Đàn được thiên nhiên ban tặng chất đất badan màu mỡ, nhưng nhiều năm trước tiềm năng này để hoài phí vì người dân chưa có vốn để khai thác. Vì thế, NHCSXH thực sự là “bà đỡ” của những hộ dân nghèo trong phát triển kinh tế như trang trại chăn nuôi, trồng cây công nghiệp: cam, cao su, cà phê… Nhờ vốn vay của NHCSXH, hộ bà Đinh Thị Yên ở xóm 1, xã Nghĩa Yên, Trần Thị Tuyết, xóm Hồng Cường, xã Nghĩa Hồng… đã thoát nghèo. Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Xuân Đồng, xã Nghĩa Lộc không những đã thoát nghèo với mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) mà còn giúp 7 hộ gia đình trong xóm thoát nghèo bằng cách làm kinh tế giống mô hình của gia đình ông, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn, giúp những người trong địa phương có vốn để làm ăn và truyền lại kinh nghiệm, kiến thức làm kinh tế cho mọi người…

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu cho biết: “Gia đình được hỗ trợ vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng. Số tiền đó gia đình đầu tư trồng 2ha cam nên năm nay đã trả được nợ cho ngân hàng rồi. Con cái cũng đỡ hơn vì được vay vốn chương trình HSSV để đi học. Nếu không có NHCSXH thì chưa biết khi mô cho hết được nghèo…”. Còn ông Lê Hồng Quảng - một hộ gia đình vay vốn chương trình hộ nghèo ở xóm Nhâm , xã Nghĩa Yên được ngân hàng hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng cho biết: “Gia đình được vay vốn NHCSXH mua trâu, đã nuôi 3 năm nay rồi, trâu đã lớn và sinh thêm được con trâu nữa, bữa nay tôi trả nợ số tiền đã mượn, sắp tới hy vọng được vay vốn thêm để làm dưa hấu hoặc trồng mía đường…”.

Nỗ lực đồng hành cùng người dân giảm nghèo

Đến nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 25 Điểm giao dịch tại 25 xã và có 361 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên 297 xóm. Tổng nguồn vốn đạt hơn 263 tỷ đồng, các chương trình cho vay đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó: những chương trình có tỷ lệ dư nợ lớn là chương trình cho vay hộ nghèo; HSSV; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh… Những xã được tiếp cận vốn NHCSXH nhiều là Nghĩa Lộc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hành, Nghĩa Hội, Nghĩa Mai…

Ngoài công tác nghiệp vụ, cán bộ ngân hàng còn hướng đến các hoạt động từ thiện. Năm qua, Công đoàn NHCSXH tỉnh đã xây dựng nhà tình nghĩa cho một hộ dân tại xã Nghĩa Mai với số tiền 25 triệu đồng, xây dựng một căn nhà cho một hộ dân tại xã Nghĩa Hội, hàng năm vẫn chú trọng tặng quà tri ân cho các gia đình thương binh liệt sỹ dịp 27/7, Đoàn Thanh niên tham gia tặng quà cho HSSV nghèo vượt khó…

“Vốn của NHCSXH thực sự đến tận tay người nghèo và việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, HSSV không phải nghỉ học vì thiếu tiền học phí - bà Hồ Thị Nhung, Giám đốc NHCSXH huyện Nghĩa Đàn cho hay - Ngoài việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn, đơn vị chú trọng việc đào tạo cán bộ cũng như tập huấn cho đội ngũ cán bộ, ban, hội tại các xã và các Tổ trưởng tại các xóm để tuyên truyền từng người dân hiểu rõ cũng như sử dụng vốn đúng mục đích. Trên địa bàn cũng chưa phát hiện ra trường hợp nào sử dụng sai mục đích vốn vay…”.

Ngô Toàn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác